•7/16/2008 07:14:00 CH
Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Gửi khăn gửi túi gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đường xa
Tôi là một nông dân, biết đọc, biết viết và làm những con tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Trước đây như vậy đã được coi là xóa nạn mù chữ, nhưng so với học vấn bây giờ, thì coi như chưa biết gì. Việc nhà nông cày bừa gặt hái, trồng lúa và trồng màu, chăn nuôi và làm nhà, tôi đều làm được cả bằng kiến thức cha truyền con nối. Xem âm lịch, nhìn trời đất thì biết thời tiết, tính toán ít nhiều cho phù hợp với vụ mùa. Ốm đau thì đánh gió bằng gừng, xông hơi bằng lá tre, ngải cứu, tía tô và xả. Tóm lại là một người nông dân có thể hoàn toàn sống tự cung tự cấp, cốt yếu là giữ đạo gia phong: kính cha mẹ, thuận vợ chồng, con cái biết nghe lời, yên vui với làng xóm, thế cũng tạm gọi là hạnh phúc. Chính sách của Nhà nước vừa nhiều vừa ở xa, chúng tôi chỉ có thể hiểu bằng sự cụ thể hóa trong hành vi của cán bộ xã thôn. Chủ trương tốt thì làng xóm yên bình, nhà nhà no đủ. Chủ trương có điều bất cập thì đời sống lộn xộn, lòng người phân tán, nhà ai biết nhà ấy, chuyện hay dở ngoài đường mặc kệ.
Khi đời sống phát triển, khoa học kỹ thuật ít nhiều cũng đã về đến làng quê, tuy nhiên phần nhiều không phải do trí thức kỹ sư từ thành phố, mà do nhu cầu của nông dân và sự buôn bán các máy móc công cụ. Máy bơm, máy tuốt, máy xay xát, xe công nông, máy kéo, máy cày, người quê mày mò học lấy, điều khiển và sửa chữa. Nhiều xưởng cơ khí, sản xuất và chữa máy móc ra đời. Kỹ thuật tuy thô sơ, nhưng tay nghề không phải là kém và ứng dụng được, thay cho lao động thủ công. Tiện thì có tiện, nhưng tai nạn do thiếu hiểu biết cũng nhiều. Kỹ thuật hiện đại thay thế cho các kinh nghiệm cổ truyền, cũng làm mất đi hầu hết những chế tác cũ. Nông dân trẻ không còn biết cày bừa và chữa bệnh theo kinh nghiệm nữa. Ốm đau nhất định phải đi viện, tốn kém vô cùng. Người nông dân là nơi đào mỏ của các bác sĩ thành phố. Ruộng đất không tăng. Nhưng người lại đẻ nhiều. Làng xóm trở nên chật trội. Đất canh tác đã ít, nay lại càng thu hẹp cho các doanh nghiệp. Thanh niên không có việc làm tràn ra thành phố, làm cửu vạn, ôsin, buôn bán, thậm chí làm đĩ điếm, khá giả thì chạy chọt đi xuất khẩu lao động. Nếu học không giỏi hơn người, một con em nông dân muốn vào một trường đại học mất từ 30 – 50 triệu đồng hối lộ, đi lao động nước ngoài mất từ 120 – 150 triệu. Số tiền đó là mấy cơ nghiệp đối với những gia đình nông dân Bắc Bộ, mà cả họ phải góp lại cho một cháu.
Làng quê tôi vốn rất thuần hậu tươi đẹp. Lũy tre xanh bao phủ xóm làng. Đồng ruộng rập rờn cánh cò bay. Bãi ngô ven sông xanh xa tắp. Cua cá, chim thú đầy đồng ruộng bụi cây, sống hài hòa với con người, thỉnh thoảng bắt ăn không mất tiền. Trong làng có ngôi đình mái cong duyên dáng, có việc làng các cụ và hội đồng kỳ mục kỳ lão tới họp, ngày hội trai gái tới vui chơi. Có ngôi chùa nhiều tượng Phật đẹp, thập phương xa xôi cũng đến hương khói. Có nghề in tranh khắc gỗ dân gian, nghề làm tương, làm bún, làm đậu phụ. Mùa đông có mía ngọt ăn không hết thì kéo mật. Mùa thu có bưởi và hồng. Mùa hạ có nhãn, vải và chuối. Mùa xuân thì đủ các thức bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh giò, bánh gio, chè lam, chè bà cốt. Rượu nấu bằng lá men lá thơm và nồng, có thể ngâm thuốc chữa bệnh. Tất cả những thứ giản dị ấy dần dà chìm vào trong giấc. E rằng mươi năm nữa không biết có còn cái làng cổ truyền từ ngàn đời nữa không? Có còn ai là người nông dân không? Và không biết chúng tôi có trở thành công nhân nông nghiệp như các nhà khoa học vẫn nói hay không.
Ruộng cấy lúa ngày một mất dần vì dành cho công nghiệp. Đương nhiên phát triển kinh tế cần có công nghiệp, nhưng tôi nghĩ khu công nghiệp phải tập trung và xa dân cư. Đằng này huyện nào cũng xây nhà máy, chất thải cứ tự nhiên tuôn ra đồng ruộng, khác nào đem thuốc chuột rải ra toàn tỉnh. Khi khu công nghiệp hình thành, hàng trăm đến hàng nghìn công nhân tới, đông hơn cả dân làng, lại còn vợ con bè bạn của họ. Hàng quán, cờ bạc, hút xách, nhà thổ kéo theo, thanh niên làng tôi đâm hỏng cả. Lời hứa sau khi lấy đất sẽ cho con em nông dân vào làm trong nhà máy phần nhiều là hão huyền, vì nông dân lấy đâu ra trình độ mà trúng tuyển. Nhiều gia đình trong cảnh lộn xộn cải biến dần đất ruộng thành đất vườn. Đất vườn khó bị lấy hơn và nếu có giải tỏa thì đền bù lại cao hơn. Nhiều nhà máy do cổ phần của quan lại trong tỉnh chứ chẳng phải ai khác. Với đồng lương Nhà nước, họ đào đâu ra hàng chục, hàng trăm tỉ mà đầu tư như vậy. Đất ruộng là cả quá trình đào luyện của nhà nông mới trồng được lúa, không dễ gì có được. Vậy tại sao không dùng đất đồi, bãi hoang mà cứ nhè vào đồng ruộng.
Làng dần thành phố. Thuần phong mĩ tục chẳng còn ý nghĩa gì. Chẳng còn lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn hàng xóm có nhau. Tôi nhớ lắm những ngày chạy ra cánh đồng, triền đê hứng gió thả diều. Những ông đồ cẩn thận điền từng nét chữ Nho vào tờ sớ. Những bà già váy đụp quần chùng gánh nồi đất ra giếng khơi. Nhớ những ngày năm ba đứa trẻ vít dây đạp cối giã gạo. Nhớ hình ảnh mẹ và chị buông mái tóc dài gội nước hoa bưởi và quay tóc nước tung bay như mưa phùn. Nhớ ông già làng đóng dại cửa, đan thuyền thúng, cẩn trọng chuốt từng cật tre quây rổ rá. Nhớ con giẻ cùi màu lông sặc sỡ chuyên ăn cứt chó, nhớ tiếng ễnh ương lộng trong đêm mưa rào. Nhớ căn nhà lá vách đất trộn rơm hăng mùi bùn, mẹ già tựa liếp khóc ngày chúng tôi ra trận. Nhớ những cây đa, cây đề đầu làng, ven đường treo cái bình vôi, cạnh những miếu hoang, không thấy thần linh mà thấy rờn rợn thế nào. Mọi người thường bảo trước đây quê hương nghèo nàn lạc hậu, nay ai nấy đều khá giả, có xe máy ti vi, thóc gạo dồi dào.
Thế nhưng để đổi lấy những cái như thế mà thay đổi cả làng cổ xưa thì thật đắt giá. Người nông dân trước thì phụ thuộc vào thiên nhiên, giờ thì phụ thuộc vào biến động xã hội. Văn hóa đất Việt sinh ra từ nông thôn và nông dân. Khi hai cái đó mất đi hoặc biến đổi thì ta sẽ có thứ văn hóa gì.
Kiến thức trong nông dân không nhiều, nhưng có tính chất thực tiễn và truyền thừa, là kết quả của nhiều đời trồng cấy và sinh sống. Nhà nông có thể cảm nhận những biết đổi của thời tiết, trông trời đất mà đoán mưa nắng, hiểu rõ cỏ cây cũng sinh trưởng như con người. Tháng giêng trồng khoai, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà, Thấy trăng quầng thì biết có hạn, trăng tán thì biết có mưa. Thấy gió hanh thì lật đất cho khô, vung vài nhát vồ là vỡ vụn, đợi mưa phùn cấy vụ đông xuân. Cây quả chua như me, khế, sấu gặp khói lò thường sớm rụi vì chúng nhạy cảm. Cây quả ngọt chịu môi trường ô nhiễm tốt hơn. Bùn lầy tưởng bẩn, chát vào vết thương lại mau lành. Đồ gốm đất nung nấu cơm kho cá thường ngon, lại giảm triệt được độc tố. Nhà tường đất chống ẩm mùa nồm ấm áp mùa đông. Những kinh nghiệm đó chẳng những không được sách vở tổng kết mà những thế hệ trẻ ở nông thôn không còn biết nữa. Chúng thích mặc quần bò áo phông, phóng xe bạt mạng, bật nhạc rất to, và sẵn sàng rời bỏ quê hương ra thành phố, hoặc không ngần ngại kết hôn với một người xa lạ nước ngoài.
Tôi thuộc về một nền văn hóa khác, lạc lõng trước dòng chảy hào nhoáng của cuộc sống công nghiệp. Một nền văn hóa đang tàn lụi, đang trở lại với ông bà, không có cách gì ngăn được. Có lẽ không còn lâu nữa chuyện về người nông dân Bắc Bộ chỉ còn giống như trong truyện cổ tích và truyền thuyết Tấm Cám, Sơn tinh Thủy tinh, Cây khế, hay trong những câu ca dao, những lời Quan họ thấm đẫm tình người. Thơ rằng:
"Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người quàng rửa chân"
Khi những dòng sông Tiêu Tương, sông Dâu đã chết, sông Châu Giang không chảy đục ngầu, sông Đáy trong xanh giờ thành ao rau muống. Khi đầm hồ bị lấp dần, đình chùa bị tô vẽ xanh đỏ sặc sỡ, khi những nhà bê tông thay cho nhà đất nhà gạch với kiến trúc, vì kèo thì con người cũng đổi khác. Tôi là một người nông dân già nua như cây cổ thụ lưu luyến cởi bỏ chiếc áo nâu sồng cuối cùng của mình.
Phan Cẩm Thượng
Sưu tầm: Tia sáng
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Gửi khăn gửi túi gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đường xa
Tôi là một nông dân, biết đọc, biết viết và làm những con tính cộng trừ nhân chia đơn giản. Trước đây như vậy đã được coi là xóa nạn mù chữ, nhưng so với học vấn bây giờ, thì coi như chưa biết gì. Việc nhà nông cày bừa gặt hái, trồng lúa và trồng màu, chăn nuôi và làm nhà, tôi đều làm được cả bằng kiến thức cha truyền con nối. Xem âm lịch, nhìn trời đất thì biết thời tiết, tính toán ít nhiều cho phù hợp với vụ mùa. Ốm đau thì đánh gió bằng gừng, xông hơi bằng lá tre, ngải cứu, tía tô và xả. Tóm lại là một người nông dân có thể hoàn toàn sống tự cung tự cấp, cốt yếu là giữ đạo gia phong: kính cha mẹ, thuận vợ chồng, con cái biết nghe lời, yên vui với làng xóm, thế cũng tạm gọi là hạnh phúc. Chính sách của Nhà nước vừa nhiều vừa ở xa, chúng tôi chỉ có thể hiểu bằng sự cụ thể hóa trong hành vi của cán bộ xã thôn. Chủ trương tốt thì làng xóm yên bình, nhà nhà no đủ. Chủ trương có điều bất cập thì đời sống lộn xộn, lòng người phân tán, nhà ai biết nhà ấy, chuyện hay dở ngoài đường mặc kệ.
Khi đời sống phát triển, khoa học kỹ thuật ít nhiều cũng đã về đến làng quê, tuy nhiên phần nhiều không phải do trí thức kỹ sư từ thành phố, mà do nhu cầu của nông dân và sự buôn bán các máy móc công cụ. Máy bơm, máy tuốt, máy xay xát, xe công nông, máy kéo, máy cày, người quê mày mò học lấy, điều khiển và sửa chữa. Nhiều xưởng cơ khí, sản xuất và chữa máy móc ra đời. Kỹ thuật tuy thô sơ, nhưng tay nghề không phải là kém và ứng dụng được, thay cho lao động thủ công. Tiện thì có tiện, nhưng tai nạn do thiếu hiểu biết cũng nhiều. Kỹ thuật hiện đại thay thế cho các kinh nghiệm cổ truyền, cũng làm mất đi hầu hết những chế tác cũ. Nông dân trẻ không còn biết cày bừa và chữa bệnh theo kinh nghiệm nữa. Ốm đau nhất định phải đi viện, tốn kém vô cùng. Người nông dân là nơi đào mỏ của các bác sĩ thành phố. Ruộng đất không tăng. Nhưng người lại đẻ nhiều. Làng xóm trở nên chật trội. Đất canh tác đã ít, nay lại càng thu hẹp cho các doanh nghiệp. Thanh niên không có việc làm tràn ra thành phố, làm cửu vạn, ôsin, buôn bán, thậm chí làm đĩ điếm, khá giả thì chạy chọt đi xuất khẩu lao động. Nếu học không giỏi hơn người, một con em nông dân muốn vào một trường đại học mất từ 30 – 50 triệu đồng hối lộ, đi lao động nước ngoài mất từ 120 – 150 triệu. Số tiền đó là mấy cơ nghiệp đối với những gia đình nông dân Bắc Bộ, mà cả họ phải góp lại cho một cháu.
Làng quê tôi vốn rất thuần hậu tươi đẹp. Lũy tre xanh bao phủ xóm làng. Đồng ruộng rập rờn cánh cò bay. Bãi ngô ven sông xanh xa tắp. Cua cá, chim thú đầy đồng ruộng bụi cây, sống hài hòa với con người, thỉnh thoảng bắt ăn không mất tiền. Trong làng có ngôi đình mái cong duyên dáng, có việc làng các cụ và hội đồng kỳ mục kỳ lão tới họp, ngày hội trai gái tới vui chơi. Có ngôi chùa nhiều tượng Phật đẹp, thập phương xa xôi cũng đến hương khói. Có nghề in tranh khắc gỗ dân gian, nghề làm tương, làm bún, làm đậu phụ. Mùa đông có mía ngọt ăn không hết thì kéo mật. Mùa thu có bưởi và hồng. Mùa hạ có nhãn, vải và chuối. Mùa xuân thì đủ các thức bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh giò, bánh gio, chè lam, chè bà cốt. Rượu nấu bằng lá men lá thơm và nồng, có thể ngâm thuốc chữa bệnh. Tất cả những thứ giản dị ấy dần dà chìm vào trong giấc. E rằng mươi năm nữa không biết có còn cái làng cổ truyền từ ngàn đời nữa không? Có còn ai là người nông dân không? Và không biết chúng tôi có trở thành công nhân nông nghiệp như các nhà khoa học vẫn nói hay không.
Ruộng cấy lúa ngày một mất dần vì dành cho công nghiệp. Đương nhiên phát triển kinh tế cần có công nghiệp, nhưng tôi nghĩ khu công nghiệp phải tập trung và xa dân cư. Đằng này huyện nào cũng xây nhà máy, chất thải cứ tự nhiên tuôn ra đồng ruộng, khác nào đem thuốc chuột rải ra toàn tỉnh. Khi khu công nghiệp hình thành, hàng trăm đến hàng nghìn công nhân tới, đông hơn cả dân làng, lại còn vợ con bè bạn của họ. Hàng quán, cờ bạc, hút xách, nhà thổ kéo theo, thanh niên làng tôi đâm hỏng cả. Lời hứa sau khi lấy đất sẽ cho con em nông dân vào làm trong nhà máy phần nhiều là hão huyền, vì nông dân lấy đâu ra trình độ mà trúng tuyển. Nhiều gia đình trong cảnh lộn xộn cải biến dần đất ruộng thành đất vườn. Đất vườn khó bị lấy hơn và nếu có giải tỏa thì đền bù lại cao hơn. Nhiều nhà máy do cổ phần của quan lại trong tỉnh chứ chẳng phải ai khác. Với đồng lương Nhà nước, họ đào đâu ra hàng chục, hàng trăm tỉ mà đầu tư như vậy. Đất ruộng là cả quá trình đào luyện của nhà nông mới trồng được lúa, không dễ gì có được. Vậy tại sao không dùng đất đồi, bãi hoang mà cứ nhè vào đồng ruộng.
Làng dần thành phố. Thuần phong mĩ tục chẳng còn ý nghĩa gì. Chẳng còn lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn hàng xóm có nhau. Tôi nhớ lắm những ngày chạy ra cánh đồng, triền đê hứng gió thả diều. Những ông đồ cẩn thận điền từng nét chữ Nho vào tờ sớ. Những bà già váy đụp quần chùng gánh nồi đất ra giếng khơi. Nhớ những ngày năm ba đứa trẻ vít dây đạp cối giã gạo. Nhớ hình ảnh mẹ và chị buông mái tóc dài gội nước hoa bưởi và quay tóc nước tung bay như mưa phùn. Nhớ ông già làng đóng dại cửa, đan thuyền thúng, cẩn trọng chuốt từng cật tre quây rổ rá. Nhớ con giẻ cùi màu lông sặc sỡ chuyên ăn cứt chó, nhớ tiếng ễnh ương lộng trong đêm mưa rào. Nhớ căn nhà lá vách đất trộn rơm hăng mùi bùn, mẹ già tựa liếp khóc ngày chúng tôi ra trận. Nhớ những cây đa, cây đề đầu làng, ven đường treo cái bình vôi, cạnh những miếu hoang, không thấy thần linh mà thấy rờn rợn thế nào. Mọi người thường bảo trước đây quê hương nghèo nàn lạc hậu, nay ai nấy đều khá giả, có xe máy ti vi, thóc gạo dồi dào.
Thế nhưng để đổi lấy những cái như thế mà thay đổi cả làng cổ xưa thì thật đắt giá. Người nông dân trước thì phụ thuộc vào thiên nhiên, giờ thì phụ thuộc vào biến động xã hội. Văn hóa đất Việt sinh ra từ nông thôn và nông dân. Khi hai cái đó mất đi hoặc biến đổi thì ta sẽ có thứ văn hóa gì.
Kiến thức trong nông dân không nhiều, nhưng có tính chất thực tiễn và truyền thừa, là kết quả của nhiều đời trồng cấy và sinh sống. Nhà nông có thể cảm nhận những biết đổi của thời tiết, trông trời đất mà đoán mưa nắng, hiểu rõ cỏ cây cũng sinh trưởng như con người. Tháng giêng trồng khoai, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà, Thấy trăng quầng thì biết có hạn, trăng tán thì biết có mưa. Thấy gió hanh thì lật đất cho khô, vung vài nhát vồ là vỡ vụn, đợi mưa phùn cấy vụ đông xuân. Cây quả chua như me, khế, sấu gặp khói lò thường sớm rụi vì chúng nhạy cảm. Cây quả ngọt chịu môi trường ô nhiễm tốt hơn. Bùn lầy tưởng bẩn, chát vào vết thương lại mau lành. Đồ gốm đất nung nấu cơm kho cá thường ngon, lại giảm triệt được độc tố. Nhà tường đất chống ẩm mùa nồm ấm áp mùa đông. Những kinh nghiệm đó chẳng những không được sách vở tổng kết mà những thế hệ trẻ ở nông thôn không còn biết nữa. Chúng thích mặc quần bò áo phông, phóng xe bạt mạng, bật nhạc rất to, và sẵn sàng rời bỏ quê hương ra thành phố, hoặc không ngần ngại kết hôn với một người xa lạ nước ngoài.
Tôi thuộc về một nền văn hóa khác, lạc lõng trước dòng chảy hào nhoáng của cuộc sống công nghiệp. Một nền văn hóa đang tàn lụi, đang trở lại với ông bà, không có cách gì ngăn được. Có lẽ không còn lâu nữa chuyện về người nông dân Bắc Bộ chỉ còn giống như trong truyện cổ tích và truyền thuyết Tấm Cám, Sơn tinh Thủy tinh, Cây khế, hay trong những câu ca dao, những lời Quan họ thấm đẫm tình người. Thơ rằng:
"Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người quàng rửa chân"
Khi những dòng sông Tiêu Tương, sông Dâu đã chết, sông Châu Giang không chảy đục ngầu, sông Đáy trong xanh giờ thành ao rau muống. Khi đầm hồ bị lấp dần, đình chùa bị tô vẽ xanh đỏ sặc sỡ, khi những nhà bê tông thay cho nhà đất nhà gạch với kiến trúc, vì kèo thì con người cũng đổi khác. Tôi là một người nông dân già nua như cây cổ thụ lưu luyến cởi bỏ chiếc áo nâu sồng cuối cùng của mình.
Phan Cẩm Thượng
Sưu tầm: Tia sáng
0 Lời bình: