•7/25/2008 12:01:00 SA
AT - Chuyến xe bus cuối cùng trong ngày vắng khách. Tất cả đều uể oải và mỏi mệt. Một phụ nữ ngồi đối diện đã ngủ, đầu nghiêng qua một bên. Bầu trời chạng vạng tối và xám xịt. Những ánh chớp lóe lên kèm theo những tiếng gầm gừ sau đó báo hiệu một trận mưa sắp tới.
Tôi nhìn lơ đễnh ra ngoài. Không rõ lắm mình đi đâu, cứ bắt xe đi - chuyến xe có lộ trình dài nhất. Khi bác tài gọi lớn: "Xuống xe đi, trạm cuối rồi!", tôi mới lơ ngơ bước xuống. Khung cảnh hoang sơ, lạnh lẽo. Nhà cửa thì lơ thơ và buồn tẻ. Cũng tốt, tôi cần một mình và yên tĩnh như thế này.
Tôi đi xe ôm đến một nhà nghỉ nhỏ. Ông chủ mừng rỡ như gặp cố nhân, niềm nở chọn cho tôi phòng tốt nhất với giá của phòng hạng trung.
- Cậu đi một mình à? Đến để khảo sát địa hình hay là tìm cảm hứng sáng tác văn chương, âm nhạc? Tôi cũng thi thoảng tiếp những vị khách như thế!
Tôi mỉm cười, không trả lời ông. Sau khi đưa tôi chìa khóa phòng, ông cười và bảo thêm: "Mùa này vắng khách và buồn lắm! Vào mùa hè thì đông hơn. Người ta thích vẻ đẹp còn hoang sơ ở đây! Không chừng ít năm nữa cậu trở lại nơi đây sẽ khác, nghe đâu có nhà đầu tư thành điểm du lịch...". Tôi thở nhẹ, buồn buồn, tự hỏi rồi sau nhiều nhiều năm nữa, những nơi như thế này sẽ chẳng thể tìm đâu ra trên hành tinh. Những nhà đầu tư lắm tiền của luôn biết đánh hơi những nơi có tiềm năng và khai thác. Người người kéo đến, du lịch hoặc định cư, thành phố sẽ sôi động và nhộn nhịp. Nhưng mọi thành phố đều sẽ giống nhau...
Tôi đi tắm. Ở đây có mạch nước nóng. Cảm giác bao nhiêu bụi bẩn được gột rửa làm tôi dễ chịu hơn nhiều nhưng vẫn không sao hết buồn. Tôi nghĩ về em, về cuộc tình hoang phế đã qua... Thấy lòng mình hình như vẫn còn yêu em nhiều lắm. Đột nhiên thèm uống rượu và say.
Tôi hỏi ông chủ: "Gần đây có quán rượu nào không?". Ông nhíu mày: "Có đấy, nhiều lắm, nhưng nếu đi một mình cậu nên đến quán này! Rất đặc biệt...".
Nói rồi ông chỉ cho tôi con đường đến quán. Đi qua hết ba con dốc, rẽ phải là tới. "Có cần tôi gọi xe không?". "Không, tôi thích đi bộ". Thế là, tôi lang thang bước. Mưa phùn nhè nhẹ không đủ làm ướt, tạo nên một cảm giác se se khá thú vị.
Quán nằm trên một ngọn đồi, xa nhà cửa. Từ dưới chân đồi, có một bảng gỗ nho nhỏ: "Dốc Sương Mù” được thắp sáng bằng chiếc đèn tròn vàng. Quán không đông, vài nhóm người ngồi tụm lại với nhau. Bàn ghế bằng gỗ, nho nhỏ và cũ kỹ. Phía trên vách, một cây guitar loại quí, màu gỗ lim lâu năm chứng tỏ chủ quán là người biết nhạc, hoặc đó là một kỷ vật. Mồi rượu cũng chẳng có gì nhiều. Chỉ là dăm quả xoài sống, vài quả trứng luộc và mấy con mực treo lủng lẳng bốc ra một mùi tanh tanh đặc trưng.
Ông chủ quán đã già, mặc cái áo thun mỏng rách lỗ chỗ hai bên vai màu cháo lòng (tôi đoán chừng nó đã từng là màu trắng).
Ngay từ khi bước vào tôi đã nhận ra sự khác lạ của quán so với các quán rượu thông thường. Bàn không cố đặt nhiều để chen khách. Và điều đặc biệt, ở đây người ta uống rượu rất điềm tĩnh, im lặng... Nói chuyện với nhau rất khẽ, như sợ làm ồn người khác.
Tôi cảm giác dường như ông mở cái quán này không phải chỉ vì tiền, mà là vì muốn nghe tiếng người. Ông ngồi yên ở một góc, nhác thấy tôi, ông hỏi:
- Đi một mình?
- Vâng!
Ông không nói gì thêm. Tôi ngồi vào bàn trống còn lại duy nhất và gọi rượu cùng ít đồ ăn. Tôi nhìn sang bàn đối diện. Tôi không phải là người duy nhất đi uống rượu một mình. Đó là một cô gái trẻ, tôi đoán chừng hai mấy. Cô cũng ngồi một mình. Trông cô không giống loại gái ăn sương. Cô mặc chiếc áo sơmi sọc đứng, quần kaki và mang đôi giày mọi. Khá ấn tượng.
Ngà ngà say, cô gái giọng lè nhè: "Này, anh kia, sao đi một mình thế? Qua đây uống cùng tôi vài cốc nào!". Vài tiếng cười ré lên: "Ái chà, cu cậu được người đẹp chấm rồi nhé!". Thế là chẳng đợi tôi trả lời, cô ấy đã xách chai rượu bước sang ngồi cùng.
- Tôi tên Phi, còn anh?
- Huân!
- Anh từ nơi khác đến đúng không?
- Ừm, tôi ở X.
- Tôi cũng từng ở đấy đấy... Cách đây rất lâu rồi... Bắt tay làm quen nào!
Cô gái chìa tay ra, bàn tay gầy, móng tay không sơn màu, rất giản dị, nhưng từ bàn tay ấy sự khắc khổ đã hiện rõ một đời. Tôi bắt tay. Cảm giác cô gái này quả thật kỳ lạ.
- Cậu thất tình à? - cô gái bất chợt lên tiếng.
Tôi mỉm cười nhẹ, chẳng trả lời, cũng chẳng phản đối. Tôi có phải là đang thất tình? Tôi là người nói chia tay kia mà. Người thất tình là em, không phải tôi, cớ sao tôi lại thấy buồn đến vậy.
- Không cần trả lời, cái kiểu im lặng như thế thì tôi cũng biết! Có gì đâu, đàn ông buồn thường ít thổ lộ ra bề ngoài! Thà khóc, còn dễ chịu hơn nhiều. Giữ trong lòng còn đau hơn nhiều... Tôi cũng từng thất tình, không chỉ một lần...
Cô gái cười. Nụ cười đau. Cô gái đưa ly rượu lên:
- Uống nào!
Con gái mà uống rượu như uống nước. Phía bàn bên kia, tôi thấy một chai đã cạn đặt dưới chân bàn. Trời bên ngoài vẫn lắc rắc mưa, ngày mỗi lớn hơn. Cô gái mắt đỏ ngầu, nhìn ra cửa:
- Mưa buồn!
Mưa buồn. Chỉ hai chữ đơn giản vậy thôi mà nghe thấy buồn não ruột. Trong hai chữ ấy, hình như là một cái gì đó vừa nhung nhớ, vừa xót xa chứ không đơn thuần là một câu cảm thán thốt lên bất chợt.
- Nghe hát không?
Cô gái bất chợt hỏi. Tôi gật đầu. Cô quay qua bọn đàn ông:
- Này này, các ông, vỗ tay phát nào, nhạc Trịnh nhé!
Những tràng pháo tay lộp bộp lẫn trong tiếng mưa ào ào trên mái. Chủ quán giật mình tỉnh dậy. Mắt ông nhấp nháy sáng, hình như ông chỉ đang đợi có thế. Cô gái bắc mấy cái ghế gỗ nhỏ chồng lên nhau cho cao rồi leo lên ngồi. Chai rượu đặt dưới chân. Cây guitar cũ kỹ treo trên vách được ông chủ gỡ xuống trao tận tay cô.
Ngón tay cô gái bắt đầu rải đều trên dây đàn, chậm rãi, nhẹ nhàng...
- Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...
Lúc này thì không còn ai cười nói cả. Tất cả chỉ còn là lặng im. Giọng cô gái trầm buồn. Mắt cô gái nhìn rất lung đâu đó ngoài ô cửa. Nghe len lén trong quán tiếng thở dài, tiếng rót rượu... Ừ thì, có ai đang vui mà nghe nhạc Trịnh bao giờ? Một người chép miệng:
- Nhạc Trịnh, chỉ nên nghe khi con người ta đã thấm thía nhiều thăng trầm ở cuộc đời! - Đoạn, ông nốc cạn một cốc, miệng hít hà một hơi. Rồi lại vu vơ nhìn ra ngoài mưa. Mắt ngầu ngầu hoe hoe đỏ, rồi bật khóc...
Chủ quán rưng rưng. Không phải ai cũng có thể hát hay được nhạc Trịnh. Tôi từng nghe nhiều ca sĩ hát, từ những tên tuổi đã nổi tiếng từ mấy chục năm về trước, vậy mà vẫn không thấy hay bằng cô gái trẻ này. Hay không chỉ đơn thuần vì chất giọng, mà hay vì cái buồn của cô đã tải được vào bài hát.
Mưa vẫn chưa dứt. Giọng cô gái vẫn thì thầm, lúc trầm lúc bổng. Tôi nghĩ về em. Nghe nhói đau nơi ngực trái. Em giờ này đang làm gì với thế giới của riêng em, nơi thành phố rực rỡ...
Rồi cô gái dứt, đàn tiếp một bài nữa.
- Bài gì đây?
- Cát bụi đi! Hay Phôi pha cũng được... - có lời yêu cầu.
Cô gái nhẹ nhàng so dây.
- Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ... Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua...
Rồi cô gái im lặng, không hát nữa, chỉ đàn, hình như đang xúc động. Chủ quán đứng dậy, ra dấu bảo cô đưa đàn cho ông. Cô gái về bàn cùng tôi, tiếp tục rót rượu. Ông già ngồi lên ghế, mắt vẫn còn hoe đỏ, giọng run run.
- Không còn ai, đường về ôi quá dài... Những đêm xa người... Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài...
Giọng ông không khỏe. Nhẹ nhàng, nhưng từng chữ phát ra như từng lời ai oán. Cô gái buồn buồn, chậc lưỡi:
- Đau khổ là do tự mình chuốc lấy!
- Vợ ông ấy đâu?
- Đi rồi!
- Đi đâu?
- Không biết, hình như theo trai! Nhưng lâu lắm rồi, đó là chuyện của hai chục năm về trước!
- Cây đàn là kỷ vật của ổng, lúc say vào, ổng thường hay kể nhiều thứ... Hồi đó, dù nghèo cách mấy cũng nhất quyết giữ lại cây đàn. Con người lãng tử, biết hát, biết đàn, nhưng rồi cũng chẳng để làm gì. Chúng không đẻ ra tiền ở một cái nơi như thế này. Mà tiền bạc gắn liền với hạnh phúc. Tiền không có, hạnh phúc cũng không còn...
Tôi nghe cô gái kể nhiều. Ngày vợ ông bỏ đi, không để lại một mảnh giấy nào. Ông đi qua nhà người ta sửa giúp cái quạt, về thì đã không thấy vợ đâu. Cơm nước đã làm xong từ bao giờ. Thế là sau đó ngày nào ông cũng bắc cái ghế ngồi đợi ở cửa. Người ta nói vợ ông đi rồi. Cô ấy đi với một người đàn ông béo nhưng trông giàu có lắm, tay đeo nhẫn vàng, cổ tròng sợi dây xích cũng bằng vàng.
Ông thét, nói láo, vợ ông suốt ngày ở nhà, sao mà quen được người đàn ông nào. Ông cho rằng mọi người đang lừa dối ông, muốn chia rẽ tình cảm hai vợ chồng, vợ ông chỉ đi đâu đó mà không kịp báo, rồi sẽ về. Nhưng thực chất, ông đang tự lừa dối mình. Sự lừa dối nào cũng có lúc phải được nhận ra. Có thể, ông sớm đã nhận ra từ rất lâu rồi, nhưng tự dối lòng mình, cố gắng đợi. Rồi ông ấy mở một cái quán nhậu nho nhỏ. Vài cái bàn con con. Khách đến quán không phải là những kẻ bợm nhậu rỗi việc. Toàn là những người ít nhiều mang một tâm sự gì đó.
Quán nhậu của ông đặc biệt hơn những quán khác, là đúng chín giờ, ông lại bắt đầu đàn và hát nhạc Trịnh. Ông thuộc nhiều bài. Người ta đến đây vì thích nghe ông hát, thích cái không khí vừa uống rượu vừa nghe nhạc Trịnh trong im lặng, để gặm nhấm lại từng nỗi buồn đau trong trang đời. Người ta nghe tiếng về quán nhậu kỳ lạ này rồi đến dần đông, phần vì thích nghe hát, phần vì hiếu kỳ. Ông không thích đông đúc và ồn ào, khi quán đủ khách, ông treo cái bảng "Hết chỗ", khách tự động thấy mà về.
Có cà phê người hỏi lẽ ra thì ông nên mở một quán cà phê mới phải. Ông cười: "Quán cà phê thì không có rượu! Nghe nhạc Trịnh mà không uống rượu thì buồn phải biết!".
Cô gái nhìn ông, thở dài:
- Cũng chẳng hiểu nổi, yêu gì thứ đàn bà ấy, hi sinh một đời người? Mà, con người là thế đấy, cậu à. Cậu có yêu rồi thì biết. Đến đây uống rượu một mình thì không ai vui cả. Tôi ở đây cũng mới. Bỏ xứ mà đi. Tứ xứ là nhà. Tôi biết hát, biết đàn. Cặp với nhiều đàn ông. Khi nhận ra họ bắt đầu chán mình thì lại đi. Bản thân cũng không nghĩ họ sẽ thật lòng với một đứa con gái giang hồ.
- Sao cô lại thế? Sao không lấy chồng, sinh con, sống một cuộc sống ổn định?
Cô gái im lặng, uống cạn tiếp một ly đầy.
- Xin lỗi... Nếu tôi có nói gì không phải!
- Chẳng sao... đời con gái ai mà không mong được hạnh phúc? Tôi có bầu năm 18 tuổi. Bố mẹ bắt tôi phá thai, nhưng tôi trốn nhà đi. Tôi tìm đến nhà người yêu để tìm cách bỏ trốn. Gã hèn nhát không nhận đó là con của mình. Tôi căm hận, gom một số tiền, ăn cắp cả tiền của mẹ mà bỏ đi. Nhà tôi giàu lắm, tôi từng là một cô tiểu thơ đấy! Rồi tôi lưu lạc đến nhiều vùng, mỗi nơi sống một thời gian, là đứa con gái non người trẻ dạ, chỉ mới có 18 tuổi thì làm được cái gì? Bầu bì như thế nữa! Tiền ngày càng cạn dần...
Mắt cô gái đỏ lên, không rõ vì rượu hay vì khóc. Giọng cô đều đều, như thể đó là chuyện rất bình thường...
-... Rồi một hôm mưa. Tôi vấp ngã. Bà hàng xóm đưa tôi đến trạm y tế phường. Tôi bị hư thai. Lúc đó khóc nhiều vì sợ hơn là vì đứa trẻ. Mọi người khuyên tôi nên về nhà, hoặc báo cho bố mẹ hay. Tôi vẫn kiên quyết không về. Ít lâu sau, đọc báo hay tin dữ. Bố bị tù vì tham ô. Từ giàu có trở nên tay trắng. Ông lên máu chết, mẹ tôi vì đau buồn cũng mất theo. Tôi ngớ người ra, bật khóc.
Tôi cũng chẳng muốn về làm gì! Tôi đi làm bồi bàn, rồi một lần ông chủ nghe tôi hát. Thấy tôi hát hay nên được đổi thành ca sĩ, ngày ngày ôm đàn hát phục vụ... Tôi yêu ông ta. Thấy đời mình như thế cũng tốt, sống qua ngày. Sau đó thì vợ ông ta ghen tuông... Tôi bỏ đi và không ở cố định chỗ nào, gặp nhiều người, yêu điên dại và sau đó ôm nỗi đau ra đi. Số tôi thường dễ yêu nên dễ đau khổ... Mà thôi, đang buồn thúi ruột thế này mà còn nhắc lại chuyện xa lắc lơ làm gì, làm một phát nào, cậu trai!
Cô gái rót rượu cho tôi rồi tiếp:
- Quán này, những vị khách ruột đều ít nhiều có nỗi lòng riêng. Thấy ông ngồi kia không? Học kỹ sư đấy, nhưng hồi xưa ổng làm việc ở Sài Gòn, sau này thì không tìm được việc làm. Vợ con nheo nhóc. Còn bà Năm bên này thì chồng và con chết trong một chuyến xe. Lật đèo. Không tìm thấy xác...
Tôi buột miệng:
- Buồn nhỉ?
Cô gái cười:
- Ừ, thường thôi! Nhiều người còn buồn hơn, đời mà!
Có mấy khách nữa đến quán. Là vài người đàn bà. Một ông đi vào trong lấy mấy cái ghế ra cho họ ngồi. Cô gái bảo: "Mấy bà này mê ổng, yêu ổng, ngày nào cũng tới! Nhưng ổng thì cứ suốt ngày ôm lấy hình bóng cũ!".
- Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, đời người như gió qua... Về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay... Có những ai xa đời quay về lại...
Tiếng hát ông vẫn buồn thương, đau đáu. Tôi không dưng muốn bật khóc... Những con người tại Dốc Sương Mù, họ chẳng quan tâm ngày tháng, để mặc đời mình qua đi với những nỗi buồn riêng. Cảm tưởng, họ cũng là sương mù, là đà trôi không mục đích... Thấy rằng, nỗi đau của mình chẳng là gì. Nó nhỏ con con so với một phần đời của từng người ở đây.
- Tôi định học nghề, rồi ở đây luôn, tôi muốn nhận ổng làm cha nuôi! - cô gái đột ngột lên tiếng.
Tôi mỉm cười, cạn tiếp một ly. Ngoài trời mưa vẫn rơi đều đều.
Mưa tháng sáu lúc nào cũng dai dẳng. Nhưng rồi, thế nào cũng phải tạnh...
HÀ THANH PHÚC
(ĐH Ngoại thương TP.HCM)
Sưu tầm: Áo trắng số 26 (bộ mới)
Mình thích bài này, tuy nó buồn, giống như là một lời triết lý về cuộc sống. Một góc khuất trong tâm hồn. Nhưng cuối cùng thì cũng phải bước đi tiếp, nhìn cuộc đời tươi sáng lên đi.
0 Lời bình: