•10/07/2009 11:58:00 CH
1. Bạn nói, như một ông già sắp nhận sổ hưu: Mày biết không, sống bây giờ thật bon chen mệt mỏi. Cái thành phố này sẽ mài tuổi trẻ bọn mình ra bã…
Bạn nói vậy nhưng bạn vẫn bám lấy cái sự mệt mỏi ấy như một định mệnh. Vợ chồng bạn vẫn cung cúc làm ăn, mỗi ngày giam mình trong phòng máy lạnh tám tiếng đồng hồ, kiếm lương trang trải, còn nhận thêm show về nhà “tăng gia cày bừa”, kiếm thêm tiền bánh, sữa nuôi con.
Bạn lại nói, như một vị tướng già kinh qua trận mạc sắp quăng gươm phá nỏ quy chốn điền viên: Vợ chồng mình kiếm thêm chút đỉnh mua đất Đà Lạt, già lui về sống cho bình yên chứ cứ vầy thì căng thẳng quá.
Bạn nói vậy. Và bạn nhận thêm dự án, chương trình bên ngoài, cày tối mặt tối mũi, để kiếm thêm tiền cho một miếng “đất hứa” của tuổi già vui thú điền viên nơi núi đồi mù sương xa xôi. “Cày bừa” muôn năm!
Bạn nói, như một thiền sư đã ngộ lẽ đời nhưng dứt khoát không chịu thoát khỏi tục lụy: Tụi mình đang đốt cháy tuổi trẻ để mua cái yên ổn tuổi già. Tụi mình đâu có sống cho hiện tại? Chẳng biết đến lúc ấy có còn sức vóc để tận hưởng những gì đánh đổi hôm nay? Chẳng biết lúc ấy mình có dừng lại, hay tiếp tục gồng mình vì những mục tiêu không thuộc về hiện tại?
Mỗi ngày, bạn lại thở dài cái thượt bên ly cà phê và trang báo sáng. Cuộc sống đôi khi thật khó giãi bày cho trọn lẽ. Đặt vài dấu hỏi, dấu than, dấu ba chấm trải ra rồi cứ thế mà để mặc cho chúng lừ đừ tan trong hình hài ngoằn ngoèo của làn khói thuốc, trong tiếng rơi khẽ khàng của giọt giọt cà phê đen đôi khi nghẹn tắc, trong cái khật khật buốt ngực của một hơi thở không vượt quá những suy tư sáng sủa, những điều gọi là Cái Biết.
Chúng ta vừa sống vừa không ngừng đặt ra những câu hỏi. Khi chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì thời gian cứ trôi. Thời gian tâm lý, cái mà tôi và bạn đều đọc được trong sách của Krishnamurti, gọi là “thời gian của việc trở thành” - tôi đang thế này nhưng tôi sẽ trở thành thế kia, tôi chưa hạnh phúc và tôi sẽ trở thành hạnh phúc theo cách thế mà tôi đang kinh nghiệm, ấp ủ… Chúng ta miệt mài sống cho những điều không hẳn hiện tại mà cũng chẳng là tương lai.
Tất cả, tương lai cho cùng là một lời hứa, một sự nỗ lực vô cùng để hiện thực hóa suy nghĩ. Chao ôi, làm chi mà mệt rứa hè?!
2. Buổi sáng, bạn lái xe qua công viên và dừng lại, gọi cho tôi: “Ê, tao thấy nhiều ông bà già đi khiêu vũ trong đó!”. Tôi nói: “Tưởng gì, chuyện ấy lạ chi!”. Ở công viên, sớm sớm, chiều chiều đều có những người già đến khiêu vũ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, múa tay múa chân hều hều như thể thoát xác. Bạn hỏi: “Tao hỏi mày, họ đang nghĩ gì? Sao mà họ ham sống dữ?”. Tôi bảo, thì cũng có thể, thời gian hồi niệm, quá khứ đã cho họ quá nhiều kinh nghiệm để thoát ra khỏi cái vòng đơn điệu hoang tưởng thời tuổi trẻ. “Nghĩa là sao?” - bạn hỏi. “Nghĩa là, họ đã chấp nhận đời sống ở một mức độ vừa phải để lắng nghe hơi thở, tận hưởng thời gian!”.
Nhưng khó! - bạn nói. Khó! Ai mua sữa, trả tiền thuê nhà, tiền học phí cho con, tiền trả góp ngân hàng…
Bạn còn kể một dây rất dài “hằm bà lằng” những thứ nợ nần nữa. Tôi chỉ biết khuyên bạn: “Vậy thì lần sau đi qua công viên thì đừng ngắm cảnh, đừng nhìn hai bên, cứ chen chúc vọt tay ga lên phía trước, để mặc tiếng nhạc của bài thể dục nhịp điệp vang ra, cứ để mặc những động tác nhẹ nhàng như tơ vờn gió của đám người già tập dưỡng sinh, đừng nghĩ ngợi gì. Và cũng đừng đặt câu hỏi về ý nghĩa của những nỗ lực hay cuộc đánh đổi. Cứ vậy mà làm cho đỡ rối...”.
Nhưng người ta có sống được như cái kiến, con ong đâu? Nghĩ lại, cứ thấy mình đòi hỏi ở bạn nhiều quá.
Bữa nay, ngồi quán, bạn nói rằng, rất ngạc nhiên vì dạo này tâm lý ông bà già mình thay đổi. Thay đổi là sao? Các cụ dẫn nhau vào hội chim cá kiếng, lẫm chẫm dắt nhau đi tập dưỡng sinh, tham gia mấy câu lạc bộ thơ ca trong phường. Hôm trước, cụ ông lên ti vi chơi game show đọc thơ sang sảng làm xóm giềng dỏng tai trố mắt ngạc nhiên. Sao lại có chuyện lạ kỳ vầy trời? Chẳng lẽ đến tuổi đó người ta vẫn say sưa cống hiến đến thế? Khó hiểu quá. Chẳng biết là họ thanh thản hay chất nặng thêm cái gánh con người.
Dù sao thì họ cũng còn đỡ hơn mấy ông cụ, bà cụ quê, cả đời sống bươn bả cống hiến cho sự học con cái. Vậy mà khi con cái trưởng thành bám lấy trụ đèn thành phố, thì nơi quê nhà, những mái lá, chái tranh thay bằng nhà xây, rộng thênh thang, con cái lại rủ nhau đi xa, chỉ còn những bóng già lưng còng vào ra lặng lẽ. Như vậy đã là may mắn lắm. Ít ra là mắt mũi còn tinh tươm để thấy được sự trưởng thành của con cái. Trời còn thương. Chứ thử vào những trung tâm ung bướu, những bệnh viện tim mạch nan y mà xem, hình ảnh những ông bà cụ nuôi nhau chống chọi với những cơn đau kinh thiên động địa. Họ thở than về những căn bệnh hiểm nghèo hậu quả của một thời kham khổ, thiếu thốn dãi nắng dầm mưa…
3. Này, mai mốt tới tuổi của mấy cụ, tâm lý như mấy cụ, con cái trưởng thành, lo bươn chải đời sống của chúng, mà vợ chồng mình lên núi sống, thì nuôi chim trồng cây cho ai xem, đọc thơ cho ai nghe nhỉ? - bạn hỏi như thể tự trào. Tôi lặng thinh. Làm sao mà trả lời được cái “công án” đời sống ấy. Tương lai rõ ràng thuộc về… tương lai.
Mà thôi, chúng ta chỉ mới tuổi ba mươi. Câu hỏi về ý nghĩa đời sống luôn khiến người ta chùng lại. Nhưng cũng tự... AQ rằng: không có những câu hỏi ấy, thì chẳng lẽ ngày đêm cứ khoác vai con ong cái kiến mà lầm lũi đi kiếm mồi, xây tổ, chẳng mảy may trăn trở những hành trình!? Vậy thì việc đặt ra những câu hỏi, dù giải quyết được hay không, cũng không đến nỗi là thừa. Cứ cho là vậy đi.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
ThanhnienOnline
Bạn nói vậy nhưng bạn vẫn bám lấy cái sự mệt mỏi ấy như một định mệnh. Vợ chồng bạn vẫn cung cúc làm ăn, mỗi ngày giam mình trong phòng máy lạnh tám tiếng đồng hồ, kiếm lương trang trải, còn nhận thêm show về nhà “tăng gia cày bừa”, kiếm thêm tiền bánh, sữa nuôi con.
Bạn lại nói, như một vị tướng già kinh qua trận mạc sắp quăng gươm phá nỏ quy chốn điền viên: Vợ chồng mình kiếm thêm chút đỉnh mua đất Đà Lạt, già lui về sống cho bình yên chứ cứ vầy thì căng thẳng quá.
Bạn nói vậy. Và bạn nhận thêm dự án, chương trình bên ngoài, cày tối mặt tối mũi, để kiếm thêm tiền cho một miếng “đất hứa” của tuổi già vui thú điền viên nơi núi đồi mù sương xa xôi. “Cày bừa” muôn năm!
Bạn nói, như một thiền sư đã ngộ lẽ đời nhưng dứt khoát không chịu thoát khỏi tục lụy: Tụi mình đang đốt cháy tuổi trẻ để mua cái yên ổn tuổi già. Tụi mình đâu có sống cho hiện tại? Chẳng biết đến lúc ấy có còn sức vóc để tận hưởng những gì đánh đổi hôm nay? Chẳng biết lúc ấy mình có dừng lại, hay tiếp tục gồng mình vì những mục tiêu không thuộc về hiện tại?
Mỗi ngày, bạn lại thở dài cái thượt bên ly cà phê và trang báo sáng. Cuộc sống đôi khi thật khó giãi bày cho trọn lẽ. Đặt vài dấu hỏi, dấu than, dấu ba chấm trải ra rồi cứ thế mà để mặc cho chúng lừ đừ tan trong hình hài ngoằn ngoèo của làn khói thuốc, trong tiếng rơi khẽ khàng của giọt giọt cà phê đen đôi khi nghẹn tắc, trong cái khật khật buốt ngực của một hơi thở không vượt quá những suy tư sáng sủa, những điều gọi là Cái Biết.
Chúng ta vừa sống vừa không ngừng đặt ra những câu hỏi. Khi chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì thời gian cứ trôi. Thời gian tâm lý, cái mà tôi và bạn đều đọc được trong sách của Krishnamurti, gọi là “thời gian của việc trở thành” - tôi đang thế này nhưng tôi sẽ trở thành thế kia, tôi chưa hạnh phúc và tôi sẽ trở thành hạnh phúc theo cách thế mà tôi đang kinh nghiệm, ấp ủ… Chúng ta miệt mài sống cho những điều không hẳn hiện tại mà cũng chẳng là tương lai.
Tất cả, tương lai cho cùng là một lời hứa, một sự nỗ lực vô cùng để hiện thực hóa suy nghĩ. Chao ôi, làm chi mà mệt rứa hè?!
2. Buổi sáng, bạn lái xe qua công viên và dừng lại, gọi cho tôi: “Ê, tao thấy nhiều ông bà già đi khiêu vũ trong đó!”. Tôi nói: “Tưởng gì, chuyện ấy lạ chi!”. Ở công viên, sớm sớm, chiều chiều đều có những người già đến khiêu vũ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, múa tay múa chân hều hều như thể thoát xác. Bạn hỏi: “Tao hỏi mày, họ đang nghĩ gì? Sao mà họ ham sống dữ?”. Tôi bảo, thì cũng có thể, thời gian hồi niệm, quá khứ đã cho họ quá nhiều kinh nghiệm để thoát ra khỏi cái vòng đơn điệu hoang tưởng thời tuổi trẻ. “Nghĩa là sao?” - bạn hỏi. “Nghĩa là, họ đã chấp nhận đời sống ở một mức độ vừa phải để lắng nghe hơi thở, tận hưởng thời gian!”.
Nhưng khó! - bạn nói. Khó! Ai mua sữa, trả tiền thuê nhà, tiền học phí cho con, tiền trả góp ngân hàng…
Bạn còn kể một dây rất dài “hằm bà lằng” những thứ nợ nần nữa. Tôi chỉ biết khuyên bạn: “Vậy thì lần sau đi qua công viên thì đừng ngắm cảnh, đừng nhìn hai bên, cứ chen chúc vọt tay ga lên phía trước, để mặc tiếng nhạc của bài thể dục nhịp điệp vang ra, cứ để mặc những động tác nhẹ nhàng như tơ vờn gió của đám người già tập dưỡng sinh, đừng nghĩ ngợi gì. Và cũng đừng đặt câu hỏi về ý nghĩa của những nỗ lực hay cuộc đánh đổi. Cứ vậy mà làm cho đỡ rối...”.
Nhưng người ta có sống được như cái kiến, con ong đâu? Nghĩ lại, cứ thấy mình đòi hỏi ở bạn nhiều quá.
Bữa nay, ngồi quán, bạn nói rằng, rất ngạc nhiên vì dạo này tâm lý ông bà già mình thay đổi. Thay đổi là sao? Các cụ dẫn nhau vào hội chim cá kiếng, lẫm chẫm dắt nhau đi tập dưỡng sinh, tham gia mấy câu lạc bộ thơ ca trong phường. Hôm trước, cụ ông lên ti vi chơi game show đọc thơ sang sảng làm xóm giềng dỏng tai trố mắt ngạc nhiên. Sao lại có chuyện lạ kỳ vầy trời? Chẳng lẽ đến tuổi đó người ta vẫn say sưa cống hiến đến thế? Khó hiểu quá. Chẳng biết là họ thanh thản hay chất nặng thêm cái gánh con người.
Dù sao thì họ cũng còn đỡ hơn mấy ông cụ, bà cụ quê, cả đời sống bươn bả cống hiến cho sự học con cái. Vậy mà khi con cái trưởng thành bám lấy trụ đèn thành phố, thì nơi quê nhà, những mái lá, chái tranh thay bằng nhà xây, rộng thênh thang, con cái lại rủ nhau đi xa, chỉ còn những bóng già lưng còng vào ra lặng lẽ. Như vậy đã là may mắn lắm. Ít ra là mắt mũi còn tinh tươm để thấy được sự trưởng thành của con cái. Trời còn thương. Chứ thử vào những trung tâm ung bướu, những bệnh viện tim mạch nan y mà xem, hình ảnh những ông bà cụ nuôi nhau chống chọi với những cơn đau kinh thiên động địa. Họ thở than về những căn bệnh hiểm nghèo hậu quả của một thời kham khổ, thiếu thốn dãi nắng dầm mưa…
3. Này, mai mốt tới tuổi của mấy cụ, tâm lý như mấy cụ, con cái trưởng thành, lo bươn chải đời sống của chúng, mà vợ chồng mình lên núi sống, thì nuôi chim trồng cây cho ai xem, đọc thơ cho ai nghe nhỉ? - bạn hỏi như thể tự trào. Tôi lặng thinh. Làm sao mà trả lời được cái “công án” đời sống ấy. Tương lai rõ ràng thuộc về… tương lai.
Mà thôi, chúng ta chỉ mới tuổi ba mươi. Câu hỏi về ý nghĩa đời sống luôn khiến người ta chùng lại. Nhưng cũng tự... AQ rằng: không có những câu hỏi ấy, thì chẳng lẽ ngày đêm cứ khoác vai con ong cái kiến mà lầm lũi đi kiếm mồi, xây tổ, chẳng mảy may trăn trở những hành trình!? Vậy thì việc đặt ra những câu hỏi, dù giải quyết được hay không, cũng không đến nỗi là thừa. Cứ cho là vậy đi.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
ThanhnienOnline
0 Lời bình: