Nghệ thuật xem ảnh
Về cấu tạo, máy ảnh là một con mắt lớn: hình hiện trên tấm kính mờ của máy ảnh phụ thuộc vào khoảng cách giữa vật kính và các vật cần chụp ảnh. Máy ảnh định hình trên kính ảnh một hình phối cảnh của vật, hình này sẽ xuất hiện trong mắt của chúng ta, nếu mắt (chú ý là một mắt thôi) đặt ở nơi vật kính.
Từ đó suy ra rằng, một khi ta nhìn tấm ảnh mà muốn thu được một ấn tượng về thị giác hoàn toàn như nhìn chính bản thân vật, thì chúng ta phải:
1) Nhìn ảnh chỉ bằng 1 con mắt,
2) Đặt ảnh cách mắt 1 khoảng cách thích hợp.
Dễ dàng hiểu rằng khi xem ảnh bằng cả 2 mắt, chúng ta không tránh khỏi nhìn thấy trước mắt mình một bức tranh phẳng, chứ không phải một ảnh có độ sâu. Đó là 1 hệ quả tất yếu do những đặc điểm của thị giác chúng ta.
Khi chúng ta nhìn một vật hình khối, thì trên võng mạc của mắt chúng ta các ảnh nhận được sẽ không như nhau: mắt phải nhìn không hoàn toàn giống như mắt trái. Về thực chất, chính sự không giống nhau này của các ảnh là nguyên nhân chính để cho các đồ vật xuất hiện trước mắt chúng ta là những hình khối: nhận thức của chúng ta hợp nhất cả 2 ấn tượng không giống nhau thành 1 hình tượng nổi. Vấn đề sẽ khác nếu trước mắt chúng ta có 1 vật phẳng, chẳng hạn 1 bức tường: cả 2 mắt khi đó đều thu được những ấn tượng hoàn toàn giống nhau; chính sự giống nhau đó là 1 dấu hiệu để chúng ta nhận thức được vật là phẳng.
Bây giờ thì đã rõ, khi nhìn ảnh bằng 2 mắt, chúng ta đã phạm 1 sai lầm vì, làm như vậy, chúng ta đã buộc nhận thức phải tin rằng, trước mắt chúng ta đúng là 1 bức tranh phẳng! Khi chúng ta nhìn ảnh bằng cả 2 mắt, mà đúng ra chỉ bằng 1 mắt, thì chúng ta đã cản trở chúng ta không nhìn được cái mà bức ảnh phải đem lại cho ta. Như vậy là toàn bộ cái ảo giác, mà máy ảnh tạo ra một cách hoàn thiện như vậy, đã bị sự sơ suất phá hủy.
Phải để bức ảnh cách mắt một khoảng cách bằng bao nhiêu?
Cả cái quy tắc thứ 2 cũng quan trọng biết mấy - phải đặt ảnh cách mắt một khoảng cách thích hợp, nếu không thì sự phối cảnh đúng đắn sẽ bị phá hủy.
Vậy thì khoảng cách đó bằng bao nhiêu?
Để thu được một ấn tượng đầy đủ, cần phải quan sát ảnh dưới cùng một góc nhìn mà vật kính của máy ảnh “đã nhìn” hình trên tấm kính mờ của buồng tối, hoặc dưới cùng một góc mà vật kính “đã nhìn” các vật được chụp cũng thế. Từ đó suy ra rằng, ảnh của vật nhỏ hơn kích thước tự nhiên bao nhiêu lần, thì cần phải đặt ảnh ở gần mắt một khoảng nhỏ hơn khoảng cách từ vật đến vật kính bấy nhiêu lần. Nói một cách khác, cần đặt ảnh cách mắt một khoảng cách gần đúng bằng tiêu cự của vật kính.
(Nói xa xôi khó hiểu quá, tui vẽ hình đưa lên cho dễ hiểu. Nếu vật được chụp là BE, máy ảnh đặt ở A, chụp xong đưa ra tấm hình là DE thì ta phải đặt mắt ở C để cho góc nhìn của mắt ta bằng với góc nhìn của máy ảnh)
Nếu chúng ta chú ý rằng, phần lớn các máy ảnh nghiệp dư có tiêu cự bằng 12-15 cm, thì chúng ta thấy rằng không bao giờ chúng ta xem ảnh đặt các mắt một khoảng cách đúng đắn: khoảng cách nhìn thấy rõ đối với mắt bình thường (25cm) lớn gần gấp đôi khoảng cách nói trên. Cả những bức ảnh treo trên tường cũng cho ta cảm giác phẳng, vì chúng ta nhìn chúng với một khoảng cách còn lớn hơn nhiều.
Chỉ những người cận thị có khoảng thấy rõ ngắn (và cả trẻ em là người có khả năng nhìn thấy ở khoảng cách ngắn) mới biết được sự thích thú của việc ngắm nhìn hiệu ứng do một bức ảnh thông thường đem lại, khi nhìn ảnh đó bằng phương pháp đúng đắn (nghĩa là bằng 1 mắt). Cầm ảnh cách mắt một khoảng cách từ 12-15cm, họ sẽ thấy trên mắt mình không phải một bức tranh phẳng, mà là một hình nổi, trong đó cảnh phía trước tách biệt với cảnh phía sau gần giống như nhìn trong kính xem ảnh nổi vậy. (lời của tui: đúng là như vậy, tui thử nhìn theo cách họ chỉ, thật sự là hình nổi, cảnh này tách biệt ra khỏi cảnh kia, có cái cách xa ta, có cái ở gần ta, rất lý thú. Cuối cùng người bị cận thị cũng có 1 điều để an ủi ^^)
Tác dụng kỳ lạ của kính lúp
Như vừa giải thích, những người cận thị có thể dễ dàng nhìn được hình nổi ở những bức ảnh thông thường. Nhưng đối với những người có đôi mắt bình thường thì thế nào? Họ không thể dịch ảnh đến gần mắt, nhưng ở đây kính lúp sẽ giúp họ. Nếu nhìn một bức ảnh qua một thấu kính có độ phóng đại gần 2 lần, thì những người đó dễ dàng có thể thu được những thuận lợi đã nêu của 1 người cận thị, nghĩa là không cần phải điều tiết mắt, họ vẫn có thể nhìn thấy được rằng bức ảnh có hình nổi và độ sâu. Ấn tượng thu được khi đó và ấn tượng thu được khi chúng ta nhìn ảnh bằng cả 2 mắt ở khoảng cách lớn, khác nhau rất nhiều. Phương pháp xem các ảnh thông thường như thế có thể thay thế cho các hiệu ứng của kính xem hình nổi.
Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ, tại sao các bức ảnh nhìn bằng 1 mắt qua kính lúp lại có hình nổi. Sự kiện đó thì ai cũng biết, nhưng ít người giải thích được đúng đắn hiện tượng này.
Chỗ ngồi tốt nhất trong rạp chiếu bóng
Chắc là những người hay lui tới rạp chiếu bóng đều nhận thấy rằng, một số cảnh được nổi hẳn lên một cách khác thường trên màn ảnh: những hình người tách hẳn ra khỏi phông và nhô lên đến mức làm người ta thậm chí quên mất là có màn ảnh phía sau và tựa hồ như nhìn thấy phong cảnh thực hay những diễn viên sống trên sân khấu vậy.
Một sự nổi lên như thế của các hình không phụ thuộc vào tính chất của bản thân cuộn phim, như người ta thường nghĩ, mà phụ thuộc vào chỗ ngồi của người xem. Các ảnh trong phim mặc dù cũng được quay bằng những ống kính có tiêu cự ngắn, nhưng khi chiếu lên màn ảnh thì đã được phóng đại lên rất mạnh – 100 lần – do đó có thể nhìn các ảnh đó bằng 2 mắt ở khoảng cách lớn (10 x 100 = 10m). Ảnh sẽ có hình nổi rõ nhất khi ta nhìn ảnh dưới cùng một góc máy quay phim “đã nhìn” nguyên vật khi quay phim. Khi đó trước mắt chúng ta sẽ là những cảnh tượng tự nhiên.
Vậy thì làm thế nào để tìm được khoảng cách đáp ứng được góc nhìn thuận lợi ấy? Muốn vậy, trước hết cần chọn chỗ ngồi đối diện với chính giữa bức ảnh, và hai là tiêu cự của vật kính lớn hơn bề rộng cuộn phim bao nhiêu lần, thì chỗ ngồi phải cách màn ảnh một khoảng cách lớn hơn bề rộng của ảnh bấy nhiêu lần.
Để quay phim, thường người ta dùng những máy ảnh có tiêu cự 35,70,75, 100 mm tùy thuộc vào đặc tính của sự quay phim. Bề rộng tiêu chuẩn của cuộn phim là 24mm. Đối với tiêu cự là 75mm chẳng hạn, chúng ta sẽ có tỷ số:
Khoảng cách cần tìm/bề rộng cuộn phim = tiêu cự/bề rộng của ảnh = 75/24 = 3
Như vậy, để tìm khoảng cách từ chỗ ngồi tốt nhất đến màn ảnh trong trường hợp này, chỉ cần nhân bề rộng của hình trên màn ảnh với khoảng 3 lần là được. Nếu bề rộng của ảnh trên màn là 6 bước thì chỗ ngồi tốt nhất để xem phim cách màn 18 bước.
0 Lời bình: