Thế giới chúng ta đang sống tiếp tục tồn tại những nghịch lý, trong đó nỗi đau lớn nhất là nạn nghèo đói mang gương mặt của trẻ thơ ở một thế giới mà đâu đó vẫn thừa mứa tiền bạc và sự phung phí. Tuổi Trẻ giới thiệu ghi nhận trên báo chí thế giới về những nghịch lý này.
Trong trại mồ côi mà không mồ côi
Lastri sống trong trại mồ côi ở Indonesia. Theo lời cô bé, năm nay em 9 tuổi. Lastri được đưa về trại tế bần khoảng sáu tháng trước trong tình trạng mệt lả vì đói khát trên đường phố. Lastri có một "bí mật" mà hầu hết trẻ trong trại đều cùng chung "bí mật" ấy. Đó là cha mẹ chúng còn sống và đang ở trong một xó tối tăm nào đó của đất nước Indonesia rộng lớn.
Theo lời kể của cô bé tội nghiệp Lastri, em thường bị mẹ đánh đập tàn nhẫn và đã bị buộc ra đường đi ăn xin "từ lâu lắm rồi" trước khi được "các cô chú dắt về". Nhiều trẻ khác trong các trại tế bần, viện mồ côi ở Indonesia cũng không thật sự là trẻ mồ côi. Có em may mắn hơn Lastri ở chỗ được chính người thân của mình cầm tay dắt đến trại rồi gạt nước mắt quay đi.
Quĩ Cứu trợ nhi đồng (SCF) kết hợp cùng Quĩ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chính phủ Indonesia đã đảo một vòng qua các trại mồ côi, viện tế bần và đếm được khoảng 500.000 em đang sống ở đó. "Trong số này chỉ khoảng 6% là những em mồ côi thật sự" - đại diện Florence Martin của SCF cho biết. Martin còn nhận xét số trẻ được các cơ sở nuôi dạy trẻ cơ nhỡ "lượm về" tăng mạnh trong thời gian gần đây, tỉ lệ thuận với tình hình biến động của nền kinh tế Indonesia.
Báo cáo của SCF và UNICEF ghi nhận: "Những gia đình nghèo nhất ở Indonesia không thể kham nổi giá lương thực và chi phí sinh hoạt hiện nay. Những gia đình này cũng truyền miệng nhau rằng chỉ có các cơ sở chăm sóc trẻ em mới nhận được hỗ trợ từ nhà nước, tư nhân hoặc quốc tế. Vấn đề là ở chỗ đó”.
Trẻ mồ côi tội nghiệp ở Myanmar
Tại Myanmar, theo Hãng tin IPS, UNICEF ước tính trận bão Nargis vừa qua thoắt chốc "quẳng" ra đường ít nhất 2.000 trẻ mồ côi thực thụ. Một nhà sư tên Uttara nhớ khi ông đến vùng bị bão tàn phá hôm 3-5, hàng đàn trẻ đã tự động nối đuôi ông và van lơn hãy mang chúng theo vì chúng không còn biết đi đâu. Hiện sư Uttara đang nuôi 30 trẻ trong chùa của ông. "Đây là một bi kịch, nhưng tôi không thể lo nổi cho tất cả bọn trẻ. Tôi chỉ có thể đưa về một số" - ông nói.
UNICEF đã bắt đầu thực hiện đăng ký những trẻ không còn người thân trong vùng bị bão. Tuy nhiên, tổ chức này vấp phải sức cản từ Myanmar do chính quyền nước này chỉ muốn tập trung trẻ mồ côi vào những cơ sở do nhà nước quản lý. Nhà cầm quyền đã công bố kế hoạch xây dựng viện mồ côi ở Labutta và Pyapon, một thị trấn đã bị tơi tả vì bão.
Trước mắt, những gì UNICEF có thể làm là tập trung chữa trị những trẻ bị chấn thương tâm thần sau thảm họa. Tổ chức này đã lập 80 "không gian thân thiện với trẻ” ở vùng châu thổ bị nạn nhằm giúp trẻ chơi đùa trở lại, khuyến khích chúng tự diễn đạt thông qua nghệ thuật và cố gắng tạo cho chúng cảm giác an toàn.
Và tiệc sinh nhật của con gái tỉ phú
Tiệc sinh nhật 16 tuổi của Anna Abramovich, theo Times Online, vừa được tổ chức hồi trung tuần tháng năm, với khách mời là 500 học sinh của Trường trung học Godolphin & Latymer (tây London), nơi Anna đang theo học. Chỉ trong buổi tối, con gái tỉ phú đã "thổi" bay số tiền đủ để xây một căn nhà vào cỡ tươm tất tại xứ sở sương mù. Dĩ nhiên, khi người cha là tỉ phú với tài sản 11,7 tỉ bảng Anh thì vài trăm nghìn bảng chẳng bõ bèn gì. Nhất là khi cô con gái bước sang tuổi 16 và muốn tạo một chuẩn mực mới cho các tiệc tùng của tuổi teen.
Anna đã phát đi lời mời không chính thức tới dự tiệc sinh nhật của mình tại một hộp đêm phía tây London trên trang mạng Facebook từ hồi đầu năm. Năm ngày trước sự kiện, những phong bì sang trọng đựng thiệp bạc khắc tên Anna bằng chữ nổi được gửi đi. Cùng lúc, tất cả cô gái được mời cũng nhận được một vòng tay bằng bạc kêu leng keng vui tai với các hạt pha lê mê hồn, trong khi các khách nam nhận được một dây đai da đen do chính Anna thiết kế. Ngày sinh nhật, chỉ các khách mời mang các vòng tay và dây đai trên được vào câu lạc bộ. Khách mời cũng phải đi qua một máy dò kim loại và nộp điện thoại di động của họ (được bỏ vào một túi nilông đánh số) trước khi bước vào sàn nhảy sáng rực rỡ đầy vệ sĩ bao quanh.
"Câu lạc bộ thật tuyệt vời" - Olivia, thành viên 15 tuổi của bữa tiệc, trầm trồ. Mọi thứ đều mang gam màu chủ đề: hồng, đen, trắng. Những chữ chạm nổi Anna có thể thấy khắp nơi. Có cả một khu vực đặc biệt với các chuyên gia phong cách và trang điểm chờ sẵn cùng nhiều "công cụ” (như kính mát và đàn guitar) sẵn sàng phục vụ quan khách nào muốn lưu lại vài pô ảnh kỷ niệm. Âm nhạc tại bữa tiệc do ban nhạc Klaxon đoạt giải Mercury phụ trách cùng với các nhạc sĩ người Brazil. DJ là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Alexa Chung. Hai quầy bar phục vụ các loại cocktail không cồn, còn trên các bàn ăn đầy bánh kẹo sôcôla, bánh ngọt - tất cả đều có màu hồng hoặc đen.
Anna diện một bộ đầm màu cam của nhà Dior - mẫu thiết kế duy nhất. Giống một ngôi sao của giới biểu diễn, Anna đã dành phần lớn thời gian của đêm sinh nhật (tới tận 3g sáng) tại một sảnh VIP, bên cạnh chừng 20 người bạn thân thiết nhất cùng thành viên ban nhạc nổi tiếng. Hầu như bất kỳ thiếu niên nào ở tây London đều biết sự kiện này.
Times Online nhận định thế hệ tuổi teen đua đòi và giàu có hiện nay ở phương Tây đang được cha mẹ hết lòng cung phụng, sẵn sàng thọc tay sâu vào hầu bao để con mình mua được một tiệc sinh nhật tốt nhất theo ý chúng. Ngay cả những trẻ em nhỏ hơn Anna, tiệc sinh nhật tại gia đã trở nên hiếm hoi. Phần lớn các bậc cha mẹ rủng rỉnh tiền đã chọn các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp đánh dấu ngày đáng nhớ cho thiên thần của mình. Cassandra Jardine - một bà mẹ năm con, tác giả quyển sách Làm cách nào để trở thành bậc cha mẹ tốt hơn? - nói chẳng có gì sai khi các con bà tham gia những sự kiện có phần ngông. Bà này lập luận: "Nếu bọn trẻ quen với ý nghĩ được chi hàng ngàn bảng cho tiệc sinh nhật khi còn là trẻ con, sau này chúng sẽ nghĩ những ngày tốt nhất trong đời là những ngày sống trong gia đình"!
Tuy vậy, không phải mọi người đều đồng tình với các bậc cha mẹ trên. Các chuyên gia còn tỏ ra lo âu trước xu thế này. Theo một nghiên cứu của American Express, 1/10 bậc cha mẹ thừa nhận đã tổ chức sinh nhật cho con để gây ấn tượng cho... các bậc cha mẹ khác. Các tiệc xa hoa này, theo chuyên gia tâm lý trẻ em Ruth Coppard, sẽ tạo cho trẻ em cái nhìn phi thực tế về tầm quan trọng của chúng. "Nó chẳng giúp trẻ em tí nào khi chúng nghĩ rằng mọi ước muốn của chúng đều quan trọng". Bà nói đây sẽ là sai lầm cho trẻ và tạo ra một sự cách biệt xã hội không cần thiết.
THỦY TÙNG - NG. THANH
(Theo AP, Reuters, Straits Times, Times Online)
2 Lời bình:
Cuộc đời có nhiều thái cực cách xa nhau như vậy đó. Sống trên cùng 1 quả địa cầu, nhưng như là có nhiều thế giới khác xa nhau
cái giầu không tự dưng mà có.Cái nghèo phải có căn do.Cái chính là cái tâm của người giầu.Bởi vì"Không ai giầu ba họ.Không ai khó ba đời"