Author: Lorian Mr
•12/23/2013 10:13:00 CH
Thường thì mình ít khi quan tâm đến những cuốn sách mang thông điệp là những lời khuyên. Nhưng cuốn sách này - Bài giảng cuối cùng - lại khác.

Tác giả không mang đến người đọc sự áp đặt hay những lời khuyên đơn thuần, mà trên hết đã dựa vào những trải nghiệm của bản thân, những ví dụ cụ thể để từ đó cho thấy tác giả đã rút được những kinh nghiệm gì từ việc đó.

Mở đầu là những ước mơ tuổi thơ, tác giả - Randy Pausch đã nói lên những cố gắng của bản thân như thế nào để đạt được ước mơ tuổi thơ đó. Tất nhiên, có những ước mơ trở thành sự thật, và thật sự hạnh phúc vì điều đó. Nhưng thường thì những ước mơ ít khi nào thành hiện thực, tuy nhiên, con đường mình tạo ra để đi đến ước mơ lại cho tác giả nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm hơn. Những thứ gián tiếp học được giá trị hơn nhiều - cái mà tác giả gọi là giả đầu (head fake). Ví dụ như chơi một môn thể thao nào đó, phần đông mọi người không phải là mong muốn được huy chương vàng olympic, chỉ là mong muốn học được “tính kiên trì, tinh thần thể thao, giá trị của sự nỗ lực”…

Tất nhiên, bất kể công việc nào cũng đều gặp khó khăn cả, và tác giả gọi nó là “những bức tường gạch”. Nó được dưng nên để ngăn những người chưa đủ đam mê cháy bỏng, và chúng cho ta một cơ hội để chứng tỏ ta mong muốn một điều gì đó ghê gớm tới mức nào. Rất hay!

Khi ta đã đạt được những ước mơ của mình, nhưng ta cũng nên giúp cho những người khác hoàn thành ước mơ của họ. Và như vậy, ta không biết được một ngày nào đó ta sẽ gặt hái được những gì ngoài sự mong đợi.
Và tất nhiên, cuối cùng là những điều mà tác giả đã đúc kết được và mong muốn truyền tải đến cho người đọc cảm nhận, và tốt hơn là làm theo vì ông nghĩ điều đó là tốt đẹp. Mình ấn tượng với một việc xảy ra; khi người vợ - Jai của ông đã lái một chiếc xe của gia đình và tông vào chiếc xe còn lại. Phản ứng của ông làm người khác hết sức ngạc nhiên, ông không giận, không bận tâm, cũng chẳng buồn đi sửa. Ông đơn giản nghĩ rằng “xe ô tô là để đưa mình từ điểm A đến điểm B” chứ “không phải là thứ thể hiện địa vị xã hội”.

Randy Pausch không còn nữa, ông đã mất vì một vấn đề “kỹ thuật” – ung thư tụy. Vì vậy ông mới có một buổi thuyết trình gọi là Bài giảng cuối cùng (The last lecture). Nhưng cho tới những ngày cuối cùng được sống, ông vẫn tiếp tục sống vui tươi (dù chắc chắn có lúc nào đó cũng sẽ nghĩ bi quan, nhưng không nhiều) vì đó là sự lựa chọn tốt nhất giữa vui tươi/buồn bã. Ông đã chấp nhận, thậm chí cảm thấy mừng vì đã được thông báo trước về cái chết, nó tốt hơn là những cái chết đến bất thình lình – như tai nạn chẳng hạn.

Đâu phải lúc nào ta cũng có được những điều tốt nhất, những thứ hoàn hảo. “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó (We cannot change the cards we are dealt, just how we play the hand)”

Cuốn sách này cho mình biết thêm về nghị lực, bản lĩnh sống của một con người trước bất hạnh đau khổ của cuộc đời, về việc họ đã cố gắng ra sao để sống một cuộc đời ý nghĩa, việc thực hiện ước mơ của bản thân và qua đó có sức mạnh đủ lớn để giúp đỡ được người khác có thể sống như họ mơ ước.

Ghi chú: bài giảng cuối cùng được đưa lên internet tại địa chỉ http://thelastlecture.com/


This entry was posted on 12/23/2013 10:13:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: