Author: Lorian Mr
•4/23/2024 10:42:00 CH
Một bài viết hay của tác giả Ngô Sa Thạch về đầu tư, quan điểm của anh chàng rất rõ ràng, chỉ ra những điều đúng bản chất của vấn đề.(Thời điểm viết bài 12/3/2024)

Trong những ngày vừa qua, giá vàng và Bitcoin vừa vươn tới đỉnh cao nhất của mọi thời đại, khiến cho nhiều người trở nên sốt ruột và muốn tất tay đầu tư vào những thị trường đó. Trong khi hiện có khoảng gần 8 triệu người Việt đầu tư cổ phiếu và khoảng gần 26 triệu người đang sở hữu tiền ảo, thì việc thiếu hiểu biết khi tham gia đầu tư có thể khiến cho vô số người dân mất tiền cũng như tán gia bại sản chỉ trong thời gian tới.

Hơn thế nữa, con số này còn có xu hướng tăng lên trong tương lai gần bởi sự phát triển của công nghệ (bất kỳ ai cũng có thể mở tài khoản trực tuyến qua điện thoại) và sự nâng hạng của thị trường chứng khoán (rào cản nguồn vốn gia nhập thấp hơn nhiều so với bất động sản). Do đó, mình viết bài này nhằm bàn luận về những yếu tố cơ bản của trò chơi đầu tư tài chính. Qua đó, hy vọng bạn đọc có thể áp dụng chúng và không bị mất tiền trong hành trình đầu tư.

Những chia sẻ này cũng là sự đúc kết trong hành trình học tập và kinh nghiệm đầu tư của chính tác giả. May mắn là mình bắt đầu trò chơi này khá sớm, khi còn đang mài đũng quần trên giảng đường đại học Kinh Tế Quốc Dân. Vào thời điểm những năm 2012-2013, đó là những năm mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời kỳ đáy của khủng hoảng, khốc liệt hơn nhiều so với ngày nay.

Nhưng cũng nhờ đó mà mình có những kinh nghiệm xương máu, giúp mình chưa từng thua lỗ trong dài hạn (còn ngắn hạn là không quá 10%, vì thị trường luôn dao động trong khoảng đó).

Tất nhiên, đầu tư không phải là công việc dễ dàng, bạn cần học rất nhiều kiến thức về kinh tế, tài chính, địa chính trị và đặc biệt là toán học. Do đó, trong bài viết này mình sẽ cố gắng đưa ra những khái niệm dễ hiểu nhất và phân tích những yếu tố bạn cần lưu tâm. Bạn nên đọc lại bài viết này nhiều lần, để suy ngẫm về chúng và áp dụng vào thực tiễn.

Lan man vậy là đủ rồi, nào chúng ta cùng đi vào bàn luận!

Trong trò chơi đầu tư tài chính, có một thực tế là luôn có đến hơn 95% người chơi là thua lỗ trong dài hạn. Nghịch lý là số lượng người tham gia lại ngày càng tăng lên, với mong muốn rằng có thể kiếm được tiền để trở nên giàu có hoặc tự do tài chính. Nhưng để kiếm được tiền, trước tiên bạn cần không được để mất tiền. Và để không mất tiền, ta cần phải hiểu nguyên nhân vì sao đám đông lại luôn thua lỗ? Và vì sao thua lỗ mà họ vẫn tiếp tục trò chơi đó?

Yếu tố đầu tiên và căn bản nhất trong trò chơi tài chính, đó là bạn cần tư duy bằng các con số và xác suất. Với hầu hết những người tham gia thị trường, từ F0 đến ngay cả những người có kinh nghiệm, hầu hết (khoảng 90%) họ là những nhà giao dịch (đầu cơ) chứ không phải nhà đầu tư. Đây là những người tham gia thị trường để mua và bán. Về cơ bản, họ có lãi khi mua được ở mức giá thấp, và bán ra ở mức giá cao hơn.

Do đó, với hầu hết người chơi thì thị trường tài chính là trò chơi có tổng bằng 0, tức là người nào kiếm được tiền thì sẽ phải có người mất tiền. Tất nhiên, những người kiếm tiền là những người giỏi nhất trò chơi, hầu hết người chơi còn lại sẽ cống nạp tiền cho tốp 10% những người thành công đó.

Thực ra, đây chỉ đơn giản là quy luật pareto hay quy luật 80/20 mà thôi. Quy luật này thể hiện rằng, trong mọi khía cạnh của tự nhiên sẽ luôn có mẫu thống kê tiến tới phân phối chuẩn, tức là sẽ có đa số nằm ở mức trung bình, và giảm dần về phía cực. Cực thành công sẽ có số nhỏ 10% và ngược lại cũng có tốp 10% những người thua cuộc đậm nhất, tán gia bại sản.

Trong số top 10% thành công, cũng có khoảng từ 1% cho đến 0,1% là thành công nhất, đây là những người được gọi là Idol trong giới đầu tư, là hình mẫu mà người khác noi theo, học hỏi. Điều thú vị là với những ngành nghề khác, học hỏi những người đứng đầu sẽ giúp cho xã hội có thể phát triển, vì điều này giúp xã hội tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị hơn. Nhưng với thị trường tài chính thì ngược lại, vì đây là trò chơi có tổng bằng 0, nếu bạn trở thành chuyên gia và kiếm được tiền thì sẽ có người phải mất tiền. Không có ngoại lệ!

Hơn thế nữa, có thể nhiều người đang có lãi, thậm chí lãi rất đậm, nhưng chưa chắc có khả năng giữ được số tiền đó trong tương lai. Ở đây, quy luật xác suất sẽ chi phối thành quả của trò chơi. Bởi vì trò chơi tài chính giống như việc tung đồng xu, trong dài hạn nó sẽ luôn hướng tới xác suất 50 thắng – 50 thua, vì với số đông thì không ai có khả năng dự đoán trước được tương lai thị trường cả.

Nhưng vấn đề là, với xác xuất 50-50 như vậy, hầu hết sẽ thua lỗ! Đúng, bạn không nghe nhầm đâu. Lấy ví dụ, nếu như bạn có 100 đồng tiền vốn, việc bạn thua lỗ 50% tương đương với việc mất 50 đồng, nhưng để lấy lại 50 đồng đó, bạn sẽ cần lãi là 100%. Trên thực tế, tính trung bình thì người ta có thể thua lỗ 10-20% là chuyện thường, và để lấy lại số tiền đó họ đã mất khoảng từ 3-5%.

Ngoài ra, phí giao dịch cũng là thành tố không thể bỏ qua. Bởi vì nhiều người là những Day trader, họ có thể giao dịch rất nhiều lần với đòn bẩy tài chính. Ví dụ như 1 giao dịch lấy của họ 0,05% phí, thì với 100 giao dịch họ đã mất 5% NAV (tức tài sản ròng). Và với thói quen giao dịch như vậy thì với xác suất 50-50 hầu hết người chơi sẽ mất khoảng 10%/ năm. Điều này có nghĩa là để hòa vốn, họ cần thắng với xác suất 60-40. Đây là con số rất cao, tương đương với top 20% người thành công nhất.

Vấn đề là thông thường con người tư duy bằng cảm xúc và hình ảnh, chứ mấy ai tư duy bằng con số. Với xác suất, họ có thể nhẩm tính được tỷ lệ thắng thua và quyết định có nên chơi hay không. Nhưng với những người tư duy bằng cảm xúc, thì họ sẽ bị cuốn vào các chu kỳ thắng liên tục và thua liên tục, bởi vì đó cũng là cách mà xác suất được phân bổ trong tự nhiên, lên xuống theo chu kỳ hình sin. Họ có thể chiến thắng 45 và thua 55 giao dịch, nhưng nếu họ có chuỗi chiến thắng dài thì họ sẽ nghĩ mình là người chiến thắng.

Với những giai đoạn thành công, họ có thể thắng được nhiều, rất nhiều tiền, ai cũng cảm thấy mình là người thành công. Nhưng sẽ luôn có giai đoạn đi xuống, đây là lúc mà tất cả tiền bạc kiếm được sẽ bị thị trường lấy đi hết. Nguy hiểm hơn là, với những người tự tin quá mức, họ sẽ dùng đòn bẩy tài chính càng cao. Có người dùng x1,x2 là đã rất cao rồi, nhưng có người còn dùng đòn bẩy…x100. Với những người này, chỉ cần 1 dao động nhỏ vài % của thị trường, họ sẽ mất sạch tiền bạc của mình.

Nói tóm lại, với trò chơi đầu cơ dạng này thì chỉ có nhà cái (công ty chứng khoán, sàn giao dịch FX và coin) - những người thu phí giao dịch là chiến thắng. Do đó, những nhà môi giới hay các sàn giao dịch thường khuyến khích các nhà đầu tư (mà thực chất là đầu cơ) giao dịch nhiều hơn. Càng giao dịch nhiều, họ càng có nhiều phí.

Còn nếu bạn muốn chiến thắng, bạn sẽ cần phải bước vào top 5%, hay những chuyên gia giỏi nhất trong trò chơi này. Bạn sẽ cần phải nắm vững kiến thức về địa chính trị, kinh tế vĩ mô, nguồn vốn lớn, kinh nghiệm nhiều năm cũng như những nguồn thông tin (đặc biệt là nội gián) mà người bình thường không thể nào tiếp cận được. Do vậy, với đầu cơ thì chỉ những cao thủ thuộc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp mới có thể có cơ hội chiến thắng.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là đầu cơ là một điều xấu, đầu cơ giúp tạo thanh khoản cho thị trường và điều này giúp thị trường vốn của một quốc gia phát triển. Nhưng đầu cơ chỉ nên dành cho những nhà đầu cơ chuyên nghiệp, tức là những người dành nhiều năm trời chỉ để nghiên cứu về giá cả, biểu đồ. Họ sẽ là những người có khả năng kiếm sống trên thị trường, trong khi số đông còn lại sẽ là những người thua lỗ.

Do vậy, để chiến thắng trong trò chơi đầu tư tài chính, số đông cần thay đổi tư duy của mình, không tham gia vào trò chơi đầu cơ, giao dịch nữa. Lúc này, họ sẽ phải học cách để trở thành nhà đầu tư. Nhưng để trở thành nhà đầu tư, họ sẽ phải chuyển đổi toàn bộ tư duy của bản thân. Chính vì lẽ đó, bước đầu tiên mỗi người cần nhận thức được sự khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm đầu tư và đầu cơ.

Về cơ bản, tư duy đầu tư là “mua và nắm giữ”, kiếm lời nhờ lợi tức của tài sản; còn tư duy đầu cơ là “mua thấp và bán cao”, kiếm lời từ chênh lệch giá. Sự khác biệt cơ bản trong tư duy của hai loại người này, là nhà đầu tư hiểu được khái niệm “tài sản tốt”, biết cách định giá tài sản, để mua với mức “giá hợp lý”, còn nhà đầu cơ thì không quan tâm đến những khái niệm đó.

Trong đó, tài sản tốt có thể hiểu là những tài sản đem lại thu nhập - lợi tức (hay chính xác hơn là dòng tiền) đều đặn trong hiện tại và có tiềm năng tăng trưởng thu nhập đó trong tương lai. Thu nhập này có thể là tiền cổ tức của cổ phiếu, lợi nhuận từ công việc kinh doanh, phí bản quyền, lãi gửi tiết kiệm, lợi tức cho thuê bất động sản,…

Còn những tài sản không đem lại thu nhập (như đất đầu cơ, vàng bạc, tiền điện tử…) sẽ không được coi là tài sản tốt. Mặc dù chúng cũng có khả năng tăng giá lên theo thời gian, nhưng sự tăng giá này chỉ là để bù trừ cho lạm phát, do tính hữu hạn của chúng. (Riêng tiền điện tử có tỷ lệ tăng trưởng cao trong những năm vừa qua, vì chưa đạt đến ngưỡng lớn nhất vốn hóa của nó; nhưng tỷ lệ này sẽ giảm dần cho đến khi nào bằng với lạm phát). Hơn thế, việc thiếu đi dòng tiền thu nhập sẽ khiến cho ta phải làm việc suốt đời để duy trì cuộc sống cũng như nuôi chúng (đóng thuế, bảo trì…).

Hãy nhớ rằng, dòng tiền là yếu tố quan trọng nhất của một tài sản. Bởi vì, dòng tiền chính là giá trị thực của tài sản đó. Nếu một tài sản không thể xác định được giá trị thực, thì giá trị của nó chỉ là niềm tin mà thôi. Với một tài sản được xây dựng bởi niềm tin thì giống như trò lừa đảo Ponzi, khi niềm tin đó mất đi thì mức giá tài sản đó đổ vỡ. Thị trường tiền ảo là dạng thị trường dựa trên niềm tin điển hình, đó là niềm tin được bơm thổi bằng công nghệ blockchain, với sự hữu hạn của nó thì mức giá nó sẽ còn tiếp tục tăng.

Nhưng nếu niềm tin đó mất đi, thì mức giá sẽ trở về 0. Những người bắt đáy Luna là những người hiểu rõ điều này nhất. Ngay cả Bitcoin, tài sản được cho là không thể đổ vỡ cũng vô cùng mong manh, vì nó thiếu đi yếu tố của chính trị và luật pháp. Nếu có cú sốc nào về chính trị, pháp luật, các sàn bị truy tố, thì khi niềm tin nhà đầu tư mất đi, rút tiền khỏi sàn giống như Bank run, mức giá của nó sẽ nhanh chóng sụp đổ. Tất nhiên, xác suất xảy ra điều này là rất thấp, vì Bitcoin là nơi rửa tiền cũng như giúp đồng đô la duy trì vị thế thống trị của nó.

Về bản chất, giá trị thực chính là lớp lưới bảo vệ tài sản khi thị trường có biến động. Lấy ví dụ như thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị của nó chính là lợi tức hàng năm của cổ phiếu. Với lần sụp đổ năm 2022, thì thời điểm đó giá trị của thị trường tương đương khoảng 1000 điểm. Tất nhiên, mức giá thực tế có thể dưới mức giá trị thực, khi sự hoảng loạn xảy ra.

Vào thời điểm đó, nhiều người mong mức giá của VNI xuống dưới 700, nhưng đó là mức giá không tưởng. Bởi vì, mức giá này đem lại lợi tức từ cổ phiếu là khoảng 13-15%/ năm, gấp đôi so với gửi ngân hàng. Với mức lợi tức cao như vậy thì thị trường sẽ tự cân bằng, tăng giá lên để đẩy mức lợi tức xuống còn khoảng từ 7-10% năm. Và đúng là thị trường đã bật mạnh trở về điểm cân bằng (trong thời điểm đó là khoảng giá 1000-1100 điểm).

Còn với các tài sản không có dòng tiền khác, thì giá trị thực của nó được ước tính dựa trên nhu cầu thực tế. Ví dụ như vàng có thể được dùng làm trang sức và các linh kiện điện tử, đất đai thì có thể được sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi và xây nhà ở. Nhưng tiền ảo thì không, nó không có bất kỳ tác dụng hay giá trị nào với nhu cầu thực của xã hội. Hơn thế, nó còn lãng phí một nguồn điện năng khổng lổ để đào ra chúng. Nếu nguồn điện năng này được ưu tiên cho sản xuất hàng hóa, dịch vụ, thì lạm phát sẽ suy giảm và đời sống của người dân sẽ bớt chật vật hơn.

Tóm lại, hầu hết con người thường chỉ quan tâm đến khía cạnh tăng trưởng giá của tài sản, mà không nhận thức được khía cạnh thu nhập của nó. Trong khi thu nhập - lợi tức lại chính là yếu tố then chốt để xác định giá trị của một tài sản. Nếu như không hiểu được điều này, ta sẽ không thể trả được một mức giá hợp lý.

Nguyên tắc ở đây là: “Giá cả là thứ bạn phải trả, giá trị là thứ bạn nhận được.” Mức giá hợp lý nên là mức giá thấp hơn hoặc tối đa là bằng giá trị thực của tài sản, với giá trị thực được định nghĩa là tổng dòng tiền tương lai của tài sản được chiết khấu về hiện tại.

Ví dụ như một tài sản là trái phiếu (hay khoản tiền gửi tiết kiệm) có kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 100.000 đồng với lợi tức 7%/năm, thì giá trị của tài sản này bằng tổng thu nhập trong 10 năm đó (70.000 đồng) cộng với mệnh giá khi đáo hạn (100.000 đồng) là 170.000 đồng. Lúc này, mức giá hợp lý nên là mức giá thấp hơn giá trị thực của trái phiếu - 170.000 đồng, mọi mức giá cao hơn mốc này sẽ đem đến thua lỗ.

Nhưng trên thực tế, không phải tài sản nào cũng có thể xác định được giá trị thanh lý, vòng đời và thu nhập tài sản như trái phiếu. Ví dụ như khi bạn mở một quán cà phê, sẽ không dễ để tính toán được dòng tiền hằng tháng, khả năng tăng trưởng, thời gian vòng đời cũng như giá trị của nó khi thanh lý. Do đó, thông thường người ta xác định mức giá đắt hay rẻ của tài sản bằng tỷ lệ giữa mức giá hiện tại trên thu nhập trung bình ước tính hằng năm của nó - P/e (Price/Earnings ratio).

Ví dụ như một cổ phiếu A có thị giá 100.000 đồng có thể rẻ hơn cổ phiếu B có thị giá 10.000 đồng, nếu như thu nhập ước tính của cổ phiếu A là 10.000 đồng, còn cổ phiếu B chỉ là 500 đồng. Lúc này, tỷ lệ P/e của A là 10 còn tỷ lệ P/e của B là 20, đây cũng là số năm hồi vốn ước tính khi đầu tư vào những tài sản đó.

Sự biến động của thu nhập sẽ tạo ra những thay đổi trong tỷ lệ P/e tương ứng. Bởi vì mọi thị trường đều vận hành để đạt tới những điểm cân bằng, nên mức giá sẽ luôn vận động sao cho tỷ lệ P/e trở lại mức trung bình dài hạn của tài sản hoặc mức trung bình thị trường. Ví dụ nếu như mức P/e trung bình của thị trường là 15 (tương đương lãi suất tiền gửi 6,67%/năm), qua thời gian cổ phiếu A sẽ có xu hướng tăng giá và cổ phiếu B có xu hướng giảm giá, sao cho tỷ lệ P/e của cả hai cổ phiếu tiến về mốc trung bình là 15.

Quy luật ở đây là, giá cả luôn vận động theo dạng sóng xung quanh những điểm cân bằng là đường giá trị thực của tài sản. Bởi vì không nhận thức được giá cả và giá trị, nên sẽ luôn có những thời điểm đám đông sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần giá trị của một thứ, với kỳ vọng kiếm lời nhờ mức giá còn tiếp tục tăng lên. Nhưng giá cả sẽ luôn vận động quay trở về với giá trị thực, khiến cho đám đông mất trắng tiền tích góp cả đời của mình.

Chỉ khi nào một người xác định được giá trị thực, người đó mới có thể tránh được sai lầm kinh điển ở trên. Hơn thế, xác định được giá trị cũng giúp cho ta phân biệt được sự tăng giá của tài sản là do hành vi đầu cơ, hay đến từ sự tăng trưởng nội tại của chính nó. Với những tài sản tăng giá mà không có bất kỳ thay đổi nào trong thu nhập ước tính, đó là sự tăng giá không có tính bền vững và đem đến rủi ro khi mua vào. Ngược lại, những tài sản mà có sự tăng giá tương ứng với sự tăng trưởng của dòng tiền thu nhập, chúng sẽ có sự tăng trưởng bền vững và đem lại cho bạn sự giàu có.

Chính vì vậy, ngoài yếu tố đầu tiên là dòng tiền thì yếu tố tiếp theo để tạo nên tài sản tốt là sự tăng trưởng của thu nhập của chính tài sản đó. Trên thực tế, có rất nhiều tài sản được coi là có cơ bản tốt với dòng tiền tốt như cổ phiếu VNM, SMB, DSN… nhưng vấn đề của chúng là không còn tiềm năng tăng trưởng, đã đạt giới hạn tăng trưởng của doanh số và lợi nhuận. Những tài sản dạng này phù hợp với những người cần dòng tiền ổn định, để duy trì cuộc sống hàng ngày (hay tự do tài chính).

Còn những tài sản đạt được cả hai yếu tố là có thu nhập ổn định, và vẫn tăng trưởng đều đặn, ví dụ như những cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu trong những ngành tăng trưởng như CAP, CSV,…thì vấn đề của những tài sản này là chúng thường có mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực. Nếu bạn không biết cách định giá, việc mua những tài sản này có thể dẫn tới thua lỗ.

Nhưng việc học cách xác định tài sản tốt và định giá tài sản cũng không phải là việc của những tay mơ, mà yêu cầu một người ngoài nắm vững kiến thức về kinh tế vĩ mô thì cũng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của vô số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Với đa số người bình thường, điều này là vượt quá khả năng của họ.

Mà ngay cả với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ cũng chưa chắc chiến thắng được thị trường. Trên thực tế, cũng có đến hơn 90% các quỹ đầu tư chuyên nghiệp không thể thắng được thị trường trong dài hạn. Ví dụ như với mức tăng trưởng bình quân 10% của chứng khoán Mỹ, thì hầu hết các quỹ đầu tư sẽ không có khả năng vượt qua được thành tích đó. Tất nhiên, vẫn có những chuyên gia ở tốp 1% như các nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio, Warren Buffet, Charlie Munger… nhưng họ chỉ là những thiên tài ngoại lệ mà thôi.

Do vậy, nếu không chiến thắng được thị trường, tốt nhất hãy trở thành thị trường. Ở những quốc gia phát triển, hầu hết người dân thường đầu tư vào những quỹ chỉ số có chi phí thấp, là những quỹ mô phỏng theo cấu trúc của thị trường. Lúc này, người dân chỉ cần tiết kiệm và đầu tư liên tục tiền bạc của mình vào những quỹ đó. Qua thời gian, nhiều người thực sự đã trở thành triệu phú.

Điều đáng buồn là tại Việt Nam chưa có sự phát triển của những quỹ dạng đó. Do vậy, với đa số người dân tốt nhất nên đa dạng hóa bằng cách mua liên tục (DCA – trung bình giá) và nắm giữ các cổ phiếu Bluechip tốt nhất. Đây là cách sẽ giúp bạn có lợi tức tốt hơn gửi ngân hàng (khoảng 10%/ năm so với 7%), đảm bảo an toàn nguồn vốn mà vẫn có thể rút ra khi có nhu cầu, do thanh khoản thị trường chứng khoán là tốt hơn cả.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi đồng tiền mà ta đem đầu tư là số tiền mà bạn đã vô cùng vất vả để tích góp. Thật không khôn ngoan khi ném số tiền tích góp cả đời để đánh bạc trên thị trường. Thay vào đó, hãy tích lũy những tài sản tốt, với dòng tiền hay thu nhập thụ động đều đặn để có được sự tự do tài chính.

Đừng mắc phải sai lầm cơ bản của nhiều người, đó là trở thành nhà đầu cơ. Điều đó sẽ làm bạn trở thành những con nghiện, tâm trí sẽ không thể an yên, kê cao gối ngủ như nhà đầu tư. Lúc này, tham gia thị trường để làm gì khi tâm thức luôn dao động, dán mắt vào bảng điện, không có đủ trí lực để làm việc, lao động hàng ngày? Hơn thế, nhà đầu cơ sẽ phải làm việc cả đời để kiếm tiền bằng cách giao dịch, lướt sóng trên những biến động của thị trường.

Trong khi đó, việc đầu cơ cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng một xã hội toàn là những nhà đầu cơ, xã hội đó sẽ là xã hội không tạo ra bất kỳ của cải thực sự nào và sẽ nhanh chóng trở nên chết đói. Vấn đề của đầu cơ là nếu như có đến 10% dân số tham gia đầu cơ và dành 50% thời gian và nguồn lực cho hoạt động đó, xã hội đó sẽ lãng phí một nguồn lực rất lớn tương đương với 5% tổng nguồn lực để phát triển kinh tế, là những hoạt động tạo ra sự giàu có đích thực. Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra ở tương lai gần của Việt Nam, khi 15% dân số có thể tham gia thị trường chứng khoán và các thị trường đầu cơ tài chính như FX và tiền điện tử.

Đầu cơ là trò chơi thú vị, nhưng có lẽ đây chỉ nên là một kênh giải trí của con người, chứ không phải là kênh đem đến thu nhập chính. Thu nhập là giá trị lao động của con người, hãy trở thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng đám đông lại thường trở thành nhà đầu cơ vì lòng tham, ham muốn làm giàu nhanh. Trong khi đầu tư cần sự cần kiệm, kiên trì, nhẫn nại để tích lũy tài sản trong nhiều năm.

Bi kịch là thay vì lao động, sáng tạo ra những giá trị thật, đem lại sự giàu có đích thực cho xã hội thì con người lại lãng phí tiền bạc, năng lượng, tài năng, thời gian quý giá trong đời để tranh cướp tiền bạc của nhau. Những người thua cuộc sẽ mất hết tiền, còn thắng cuộc cũng chẳng tốt đẹp gì khi kiếm tiền trên sự táng gia bại sản của người khác, ăn trên mồ hôi nước mắt được tích góp cả đời của họ.

Hãy luôn nhớ rằng có một nguyên lý trên đời này là “của Thiên trả Địa”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, lấy của người sẽ phải trả lại bằng cách này hay cách khác. Cho nên từ xưa đến nay, những đồng tiền chân chính vẫn luôn là những đồng tiền khôn ngoan nhất!
This entry was posted on 4/23/2024 10:42:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: