•3/06/2009 09:41:00 CH
Tên đời là cõi tạm, tên tình là phôi pha. Trong đôi mắt của mình, Trịnh nhìn mọi sự vật, hiện tượng như một đốm nắng chiều dễ tàn lụi. Sau cái khoảnh khắc ấy, đêm về giăng kín mịt mù. Chỉ khi nào xa cái cõi tạm hoang phế này, loài người mới thôi rệu rã, lê thê.
Đó là những ngày cuối tháng Hai chong chong, Hà Nội mưa phùn ướt mắt lòng phố. Những vệt mùa lếch thếch kéo nhau ủ vào giấc giao di. Người ta chẳng còn thì thầm tai nhau nói những lời bề bộn, chẳng còn kể cho nhau nghe mùa đông đã trôi đi như thế nào.
Đó là những ngày cuối tháng Hai, tôi bước chân vào phố Phái ngắm nhìn những dãy phố dài hút tầm mắt theo năm tháng rêu hoang rồi chợt nhớ đến phố Trịnh rong ruổi những cơn mưa thiên thu vào mùa chưa dứt. Đó là những ngày mưa bụi cuối tháng Hai, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn bảo rằng sắp tới "những ngày Trịnh Công Sơn".
Một cốc cà phê nóng, một CD với những bài hát quen thuộc, một chiếc đồng hồ từng giây, từng giây nhích dần về phía thinh không, tôi ngồi một mình chôn chân trong đêm, lòng bâng quơ những điều không rõ.
Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe
Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe
Im lặng của đời tôi đã lắng nghe…
Những sợi buồn của cõi tạm ủ vào đên đen. Xung quanh chỉ có bước chân quờ quạng của những loài gió dại. Loài người ngủ ngon ngay trên chiếu mòn chăn lệch, ngay trong cuộc phôi thai của trời đất. Những nốt nhạc chậm buồn… Im lặng, im lặng tôi đang lắng nghe…
Đã có những lúc tôi tự hỏi vì sao với Trịnh, cuộc đời đa thanh, đa sắc này lại già nua, héo úa và chia lìa đến thế? "Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời". Khi viết như vậy nghĩa là đời người đã lênh đênh lắm rồi. Như một chiếc bóng đi rao lời dối gian, như vết mực nhoè trên trang giấy trắng tinh khôi, người trở về từ chuyến "da du" của mình bằng bước chân của một người khác.
Bước chân ấy khoác nắng mưa đi đi về về một mình… Một mình lãng du, một mình mệt mỏi, một mình hư vô.
Tên đời là cõi tạm, tên tình là phôi pha. Trong đôi mắt của mình, Trịnh nhìn mọi sự vật, hiện tượng như một đốm nắng chiều dễ tàn lụi. Sau cái khoảnh khắc ấy, đêm về giăng kín mịt mù. Chỉ khi nào xa cái cõi tạm hoang phế này, loài người mới thôi rệu rã, lê thê.
Ở nơi đó, những con gió hoang vu không còn hát nữa, loài người ngoan hiền với những giấc mơ rong. Đó là cõi thiên thu người gặp người gọi nhau là chân thật, đó là cõi trăm năm không còn không mất, cõi ngàn năm một lối đi về…
Với tôi, âm nhạc của Trịnh Công Sơn mãi mãi là một điều ám ảnh. Vì sao tôi nghe để rồi yêu đến mệt mỏi - tôi không biết. Đã có những lúc tôi sợ những nốt nhạc ấy, sợ chất giọng Khánh Ly ma mị cột chặt vào không thể thoát ra.
Và cũng có nhiều lúc, tôi muốn quên cái thế giới ấy, thế giới của những con chim ưu phiền mang đầy nắng quạnh hiu, thế giới của những cuộc tình sầu, tình xa, tình vọng, của lời buồn thánh niệm trầm trong buổi chiều chủ nhật cô liêu, đó là thế giới cô đơn, hoang hoải trong Lặng lẽ nơi này, bơ vơ, côi cút trong Đường xa vạn dặm, thế giới của Tuổi đá buồn ru mãi ngàn năm tật nguyền…
Nhưng rồi không hiểu vì sao tôi vẫn đi về nơi đó, đi về như một kẻ mộng du, xa vắng và cô đơn.
Hồi còn bé, khi còn tung tăng trên con đường tuổi thơ màu hồng gạch, tôi và bạn bè đồng trang lứa đã ca vang những nốt nhạc của ông. Nào thì Nối vòng tay lớn, nào thì Em là bông hồng nhỏ rồi Tuổi đời mênh mông…
Đó là những khúc ca của tuổi thần tiên - là một thời bất cứ ai cũng đã đi qua. Những bài hát ấy có giai điệu mềm mại, nhẹ nhàng, nhí nhảnh, hồn nhiên, dễ thuộc, dễ hát. Ngày ấy, tôi nghe và hát theo chứ không biết ai đã sáng tác ra chúng. Bây giờ biết rồi, tôi vẫn thích, vẫn yêu nhưng thấy lạ nữa. Lạ vì đó là ca từ của ông - một người nhạc sĩ người ta mới nhớ đến đã thấy buồn.
Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi biết cười là những nụ hoa
Người ta lớn lên rồi đi xa, nhìn thế giới xung quanh bằng một cặp mắt khác, mệt mỏi, phai tàn hơn. Những hư hao ngổn ngang của đời sống làm tâm hồn xuất hiện nhiều vết chai. Người ta dễ quên, dễ vô tình, dễ thờ ơ, lãnh đạm. Người ta dần quên đi chính bản thân mình.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào lòng người nghe nhẹ nhàng, thâm trầm như những dòng sông nối đuôi nhau đổ ra biển rộng, làm con người ta nhìn ra những điều thẳm sâu giấu kín trong tim, nhất là khi cô đơn và mong manh, khi ta buồn bã và muốn có một người ngồi lại để giãi bày, sẻ chia…
Tôi rất thích ca khúc Tôi ơi, đừng tuỵêt vọng, thích cái triết lí mà ông để lại trong đó. Dù cuộc đời này chỉ là cõi tạm buồn tênh thì tôi ơi, em ơi đừng tuyệt vọng vì "em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Cuộc sống cho ta một nỗi đau thì cũng sẽ trả lại ta một niềm hạnh phúc. Hãy đi đến tận cùng niềm tuyệt vọng, ta sẽ thấy rằng tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…
Tôi là ai mà còn trần gian thế?
Tôi là ai là ai là ai… mà yêu quá đời này
Là ai, là ai mà yêu quá đời này thế, Trịnh ơi? Là ai, là ai sao ta còn trần gian thế? Là ai, là ai mà ta vẫn buồn nhiều, vẫn thương nhiều cái cõi tạm này thế, ta ơi?
Ru ta ngậm ngùi cũng là ru ra thôi muộn phiền. Những ru khúc của Trịnh mềm mại an ủi những kiếp người cô đơn, nhỏ nhoi. Những Ru đời đi nhé, Ru đời đã mất, Ru tình mà ông viết thực chất là ru chính bản thân mình... Ru đời đừng nhạt nhoà những môi son, ru tình còn mãi để trăm năm vẫn quay về gọi nhau là yêu thương, ru em, ru người hãy cứ yêu nhau đi dẫu mệt mỏi kiếp người…
"Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc than phân trên cây thập giá đời"
Đêm vẫn nhích dần về phía thinh không. Tôi vẫn một mình ngồi đó, chôn chân trong những bạc khúc của Trịnh. Những lời bề bộn này rồi cũng sẽ tan đi như khói. Những giấc mộng của đời không thực này rồi cuối cùng cũng chỉ là phù du. Phía sau làn mưa bụi nhạt nhoà cả tháng Hai ủ ê nỗi buồn này, tôi đi rồi có gặp con nắng nào không?
Chỉ biết bây giờ xung quanh tôi, chỉ có đêm và Trịnh là tri kỉ!
Du Nguyên
0 Lời bình: