Author: Lorian Mr
•11/15/2008 12:59:00 SA
Phạm Minh Tuấn là tác giả của nhiều bài hát mà mình rất thích, nhưng đến bây giờ mới biết được điều đó, thật là thiếu sót. Như lúc gặp 1 chú ngồi chung trên xe lửa về quê, chú nói rằng "biết tên bài hát, còn phải biết tên tác giả của bài hát nữa, đó là một cách để tri ân người sáng tác ra nó".
Sáng tác từ nhỏ, viết một khối lượng tác phẩm khá lớn trong chiến tranh (nổi bật có Qua sông đậm chất dân ca Nam Bộ), nhưng phải đến sau giải phóng, đầu những năm 80, Phạm Minh Tuấn mới được đông đảo công chúng biết đến như một nhạc sỹ hàng đầu với nhiều ca khúc cách mạng, nổi bật nhất là Bài ca không quên do ca sỹ Cẩm Vân thể hiện. Có thể gọi ông là một trong những nhạc sỹ miền Nam (dù quê gốc Hưng Yên) thành công nhất trong dòng nhạc truyền thống cách mạng kể từ 1975.

Năm 1981 - năm nhạc sỹ tốt nghiệp ĐH sáng tác tại Nhạc viện Tp. HCM - vang lên trong cả nước giai điệu Bài ca không quên từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Ca sỹ Cẩm Vân xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng với chất giọng ấm áp đặc biệt đã thể hiện rất thành công ca khúc này, bứt phá tạo tên tuổi đồng thời đưa âm nhạc Phạm Minh Tuấn đến gần công chúng. Tiếp đó, Đất nước (ý thơ Tạ Hữu Yên) chung đề tài hồi ức chiến tranh làm nên thành công mới cho Phạm Minh Tuấn. “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ…”. Những ca khúc Phạm Minh Tuấn từ ấy đến nay được lựa chọn nhiều nhất trong các cuộc thi hát, gần như trở thành mẫu mực cho phong cách nhạc cách mạng truyền thống sau chiến tranh. Trong những năm tháng còn nhiều khó khăn ấy, những giai điệu hát về quê hương, về cuộc sống mới của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nói không ngoa, đã động viên, tiếp thêm sức sống cho nhiều tâm hồn trẻ. Chỉ cần một Khát vọng (phỏng thơ Đặng Viết Lợi) thôi, đã đủ để tôn vinh Phạm Minh Tuấn như một trong những nhạc sỹ viết về cuộc sống hay nhất. Điểm mạnh của ca khúc Phạm Minh Tuấn ngoài giai điệu đẹp, mượt mà tình cảm còn là phần ca từ luôn chắt lọc, nhẹ nhàng mà sâu sắc, khát khao hướng đến cái chân - thiện - mỹ muôn thuở nhưng không sến, không sáo. Người nghe chỉ đơn giản cảm nhận và bày tỏ sự đồng cảm từ những gì nhạc sỹ nhắn nhủ. “Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông…”. >Tình khúc thiên thu – một ca khúc khác của ông cũng gần với Khát vọng tuy có già dặn và mang tính chiêm nghiệm nhiều, buồn hơn nhưng cũng ung dung hơn, như cảm nghĩ của một người đi đã nhiều nhìn lại, suy tư và chấp nhận. Một ca khúc viết về Sài Gòn rất thành công của Phạm Minh Tuấn: Thành phố - tình yêu và nỗi nhớ (phỏng thơ Nguyễn Nhật Ánh) đến bây giờ vẫn được hát. Hiếm khi thấy nhạc sỹ trẻ trung thế, không chỉ tuổi trẻ đơn thuần mà là sức trẻ của tình yêu. Trong bom đạn chiến tranh, tình yêu càng nở hoa. “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở… Dù nơi chiến trường xa nhiều gian khổ, vẫn đập trong lòng trái tim thành phố, như là cuộc sống, như là tình yêu và nỗi nhớ suốt đời mang theo.” Ngọt ngào bay bổng như một lời hoan ca về thành phố trẻ ấp ủ trong lòng tình yêu đôi lứa, bài hát gây ấn tượng mạnh trong lòng người nghe thời kỳ ấy, trở thành một trong những ca khúc đề tài chiến tranh – cuộc sống – tình yêu được yêu mến nhất cùng với bài hát có “nụ hôn” gây sốc Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng. Những Lá hát, Nắng gió Lâm Đồng, Mùa xuân từ những giếng dầu, Hát trên biển lúa, Lối nhỏ vào đời, Tình ca mùa xuân, .v.v. cũng với tinh thần lạc quan yêu đời, lời ca hồn hậu vui tươi, tiết tấu nhanh gần gũi hơn với thế hệ trẻ đã “sống” một cách mạnh mẽ thời gian cuối ’80, đầu ’90 và đến nay vẫn được nhiều ca sỹ thời thượng chọn hát lại, điển hình có Đàm Vĩnh Hưng thể hiện Lối nhỏ vào đời khá đặc sắc. Điều khá đặc biệt của Phạm Minh Tuấn là ông phổ thơ rất nhiều, và hầu như bài nào cũng thành công. Ngoài ra, một số không ít bài hát của ông sáng tác cho phim và kịch, từ Bài ca không quên, Đêm trắng, Sao biển đến Lối nhỏ vào đời, Hoa cát .v.v. Một ca khúc lạ trong kho tàng hơn 200 tác phẩm của Phạm Minh Tuấn: Tiếng sáo. Không gian đại ngàn hoang dã, và đam mê. Khúc mở đầu chậm rãi dồn nén để rồi bùng nổ cao vút lảnh lót trong điệp khúc: “Tiếng sáo anh bay lên ngọn núi, tiếng sáo anh cuộn theo dòng suối, tiếng sáo anh nghe sao rộn ràng, tiếng sáo anh nghe sao dịu dàng…”. Tiếng sáo đậm đặc chất cao nguyên, rực lửa trong tiếng hát của Siu Black. Trong bài hát ẩn chứa một khát vọng tình yêu, bản năng và mạnh mẽ như dòng thác thượng nguồn: “Cơn bão nào dấy lên từ lồng ngực anh đây, bàn tay nào vuốt lên từ lồng ngực anh đây, ôi đất trời chỉ còn có hai người, tiếng sáo cũng im rồi…” Không tỏa sáng và đại chúng như những tình ca Trịnh Công Sơn hay Thanh Tùng, Phạm Minh Tuấn đi theo một con đường khác, viết tình ca về chiến tranh, về cuộc sống, về cả thân phận con người theo chiều hướng lạc quan. Nhẹ nhàng thẩm thấu vào người nghe, khát vọng âm nhạc Phạm Minh Tuấn sẽ còn được hát lên lâu dài như một hình mẫu của dòng nhạc truyền thống cách mạng. Ca sỹ Cẩm Vân thể hiện rất thành công ca khúc Bài ca không quên Hải Thủy Vietnamnet

This entry was posted on 11/15/2008 12:59:00 SA and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

2 Lời bình:

On lúc 01:21 15 tháng 11, 2008 , Nặc danh nói...

Rồi từ từ sẽ gởi bài về những bài hát mình thích lên luôn.
Mong mọi người cũng thích như tui thích.

 
On lúc 00:26 8 tháng 5, 2013 , Nặc danh nói...

Ρretty nice post. I just stumbled upon your blog аnd
ωanteԁ to say that I've really enjoyed browsing your blog posts. After all I will be subscribing to your feed and I hope you write again very soon!

Feel free to visit my homepage - water filters home depot