Author: Lorian Mr
•4/25/2022 10:02:00 CH

Tình cờ mình nghe được bài hát “NƯỚC NGOÀI” của Phan Mạnh Quỳnh, với nhịp 4/4 nhẹ nhàng và lời nhạc đơn giản như một lời tâm sự thân mật nên từ ngữ không có cao siêu lắm (kiểu như những bài hát cho dân lao động ở miền Nam trước đây vậy).

Thế nhưng, chỉ với những lời nhạc dân dã đó đem lại cho người nghe sự đồng cảm với những người đi xa xứ lao động kiếm tiền.
Mà thật ra, bài hát cũng là những tâm tình chung của những người xa quê hương ở những nơi xa lạ, không thân quen họ hàng; thế nên mình cũng có cảm giác quen thuộc với ý tưởng của bài hát. Đó là những ngày còn bon chen ở Sài Gòn, những ngày đầu tắt mặt tối vì công việc chẳng nói chuyện được với người nào, những ngày đúng nghĩa chẳng dám bị bệnh vì biết rằng có bệnh thì cũng không có ai mà chăm cho mình, những ngày như con kiến lầm lũi đi giữa dòng người, có những lúc mưa ào xuống bất chợt làm mình thấy còn thảm hơn nữa.

Author: Lorian Mr
•4/16/2022 11:27:00 SA
HOW TO TRAIN YOUR DRAGON là một phim hoạt hình đến nay đã có 03 phần (mà chắc cũng hết rồi) và 1 phần ngoại truyện được đạo diễn bởi 2 người Dean DeBlois, Chris Sanders. (Phim hoạt hình thì tất nhiên dành cho mấy lứa tuổi nhỏ thanh thiếu niên, nhưng mình cũng mới chớm bước qua 18+ nên vẫn coi được.)

Phim kể về một thế giới thần thoại nơi có sự sống của con người và loài rồng (không phải rồng Châu Á). Ở đó có sự chiến đấu sống còn giữa những người Viking và loài rồng, và rồi một cậu bé “khác người” đã đi con đường riêng để có thể tìm hiểu ra vấn đề và kết bạn với 1 con rồng. Từ đó câu chuyện đi qua từng vấn đề nổi lên và cách các nhân vật giải quyết vấn đề, các đạo diễn đã tài tình tạo ra tình huống để cho ra đời 3 sản phẩm.

Phần 1: Bí kiếp luyện rồng (phát hành năm 2010) kể về cậu bé Hiccup thu phục rồng và hóa giải hiềm khích giữa người và rồng.

Phần 2: (phát hành năm 2014) kể về sự chiến đấu liên minh giữa người Viking xứ đảo Berk và rồng để chiến đấu với những người săn bắt rồng.

Phần 3: Vùng đất bí ẩn (phát hành năm 2019) kể về hành trình đi tìm về vùng đất nguyên thủy của loài rồng, để chúng cách xa sự tham lam và độc ác của loài người.

(Ảnh: fado.vn/.../how-to-train-your-dragon-3-movie...)



Author: Lorian Mr
•4/11/2022 10:28:00 CH

Viết về Đà Lạt xưa thì một trong những bài hát nổi tiếng thời đó là AI LÊN XỨ HOA ĐÀO của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ông không phải là người gốc Đà Lạt, ông ở đó một thời gian nhưng cũng đủ để thấy yêu mảnh đất này và tạo cảm hứng cho ông sáng tác một bài hát với ca từ rất đẹp, đi vào lòng người – những ai cũng yêu Đà Lạt.



Những hình ảnh mà những người sau này đi lên vẫn còn cảm nhận được nét riêng ở nơi này: “nghe hơi giá len vào hồn người”, “bước lần theo đường hoa”, “lâng lâng trong sương khói” để lòng mình “lạc dần vào quên lãng”. Nghe xong nhớ vài lần kỷ niệm trên vùng đất này ghê.

Author: Lorian Mr
•4/02/2022 10:15:00 SA

Tới bây giờ người ta quen gọi là Mì ăn liền (hoặc phở ăn liền, miến ăn liền… và nhiều loại nữa phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân hiện nay) theo đúng nghĩa đen của nó, nhưng trong ký ức của lứa tuổi mình luôn văng vẳng 2 tiếng quen thuộc – MÌ TÔM.

Nói về quá khứ chút, vào năm 1972, công ty Thiên Hương tung vào thị trường loại mì ăn liền Vị Hương nhãn 2 con tôm với hình ảnh 2 con tôm chụm đầu. Cùng thời đó, do chưa có bảo hộ bản quyền gì hết nên cũng có hãng Vifon cũng chào hàng mì gói với hình ảnh này; còn có hãng mì Bình Tây với nhãn hiệu Hai Cua Xanh (mà mình đồ rằng cũng có lúc người ta gọi là Mì cua). Rồi sau này còn có thêm hãng mì Colusa, hãng mì Miliket cũng với hình ảnh 2 con tôm làm cho thị trường mì ăn liền toàn hình tôm. Từ đó người dân quen gọi tắt là “mì tôm” luôn, ăn sâu vào tiềm thức của một thế hệ và trở thành hoài niệm.
Author: Lorian Mr
•4/01/2022 09:54:00 CH

Bài hát TUỔI ĐÁ BUỒN được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trong thời gian ở Bảo Lộc. Có người nói do vùng đất này cứ mưa dai dẳng nên tác giả sáng tác bài hát có giai điệu như tiếng mưa rả rích và buồn, và trong tác phẩm ông cũng đã nói về mưa từ những câu đầu tiên.

 

Bài hát của ông, có thể không cần hiểu và không nên hiểu hết ý tứ của nó, mỗi thời điểm, mỗi không gian sẽ có một cảm nghĩ bất chợt nảy lên khi nghe ca sĩ hát, có chút đồng cảm với người viết. Như ở một ngày trời mưa rả rích, có lúc rào rào, nhìn dòng người hối hả, bỗng thấy cảm xúc của tác giả “ngày chủ nhật buồn” và câu “còn ai còn ai” như một nỗi buồn miên man, trống vắng.