Author: Lorian Mr
•11/27/2008 03:24:00 CH
TTCT - Vấn đề dạy thêm - học thêm từ lâu đã trở thành một trong những nỗi bận tâm lớn của toàn xã hội. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến, bài viết cũng như nghiên cứu về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đề cập quan điểm của chính người trong cuộc, tức học sinh (HS).

Vậy HS nghĩ gì về việc học thêm? Học thêm vì lý do gì? Tác động của việc học thêm đối với thành tích học tập cũng như sức khỏe của HS ra sao?...

Học thêm từ khi nào? Số môn và các môn học thêm? Chi phí học thêm hằng tháng?

Kết quả khảo sát cho thấy 66,2% HS đã bắt đầu đi học thêm từ khi vào học THCS, trong đó có đến 29,5% bắt đầu học thêm ngay từ năm học đầu cấp học này (tức lớp 6). Trong 33,8% HS học thêm từ cấp tiểu học, có 7,0% cho biết đã học thêm ngay từ khi học lớp 1, tức là ngay khi vừa học xong bậc học mẫu giáo.

Về số môn học thêm, trung bình mỗi HS đang học thêm 2,5 môn, trong đó có 50,2% học thêm từ ba môn trở lên. Kết quả khảo sát cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa (p nhỏ hơn 0.05 ) giữa thành tích học tập với số môn học thêm của HS: HS càng có kết quả học tập tốt thì số môn học thêm cũng càng nhiều và ngược lại.

Như vậy, hiện nay nếu HS muốn có thành tích học tập tốt thì bắt buộc phải học thêm nhiều, mà việc học thêm nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào mức sống gia đình của HS tức HS thuộc gia đình khó khăn sẽ rơi vào nguy cơ bị tụt hậu hơn so với HS thuộc gia đình có mức sống khá giả.

Khảo sát các môn HS đang học thêm cho thấy có bốn môn được chọn học thêm nhiều nhất là toán (84,9%), tiếng Anh (52,3%), lý (47,9%) và hóa (41,6%). Môn văn, vốn được gọi là “nhân học”, chỉ có 19,9% HS chọn học thêm mà thôi. Nếu phân theo cấp học, hai môn được HS bậc THCS chọn học nhiều nhất là toán (83,5%) và tiếng Anh (61,3%). Trong khi đó, HS bậc THPT tập trung vào ba môn chủ lực là toán, lý, hóa và chỉ có 3,3% chọn học thêm môn văn.

Về chi phí cho việc học thêm, qua kết quả khảo sát, trung bình một HS phải bỏ ra 326.474 đồng/tháng, trong đó cấp THCS là 287.024 đồng và cấp THPT là 391.171 đồng. Như vậy, càng học lên cao thì chi phí cho việc học thêm càng nhiều (p nhỏ hơn 0.006). Tất nhiên, chi phí học thêm cũng phụ thuộc mức sống gia đình của HS. Nhóm HS thuộc gia đình khá giả chi cho học thêm hằng tháng là 360.503 đồng, còn nhóm HS thuộc gia đình khó khăn chỉ chi 280.000 đồng. Dù với mức sống nào thì mỗi năm gia đình đều phải chi trên 3 triệu đồng cho mỗi đứa con đang đi học. Như vậy, nếu có hai hoặc ba con đi học, số tiền học thêm sẽ là một gánh nặng lớn cho ngân sách gia đình (khảo sát cho thấy số em cho biết gia đình hiện có từ hai người đang còn đi học trở lên chiếm đến 61,7%).

HS học thêm ở đâu? Học với ai? Số buổi học thêm mỗi tuần và số giờ mỗi buổi học thêm?

Về nơi học thêm, 48,6% HS cho biết đang học thêm tại nhà thầy cô (HS THCS 52,7% so với 42,0% HS THPT), 23,9% cho biết đang học tại các trung tâm dạy thêm (19,3% THCS và 31,5% THPT) và 22,9% cho biết học thêm tại trường đang theo học chính khóa (19,3% THCS và 28,7% THPT).

Đối với người dạy, 39,6% HS cho biết học thêm với thầy cô đang dạy tại trường mà HS đang theo học chính khóa, kế đến là học với thầy cô ở trường khác và thầy cô ở các trung tâm dạy thêm (35,0% và 29,2%). Đáng lưu ý: HS thuộc gia đình càng khó khăn thì càng có xu hướng chọn học với thầy cô đang dạy tại trường mà HS đang học chính khóa, còn HS thuộc gia đình khá giả chọn học với gia sư, thầy cô ở trung tâm, thầy cô ở trường khác nhiều hơn.

Về số buổi học thêm trong tuần, kết quả khảo sát cho thấy số ngày đi học thêm trung bình mỗi tuần là 4,09 ngày và thời gian trung bình mỗi ngày học thêm là 2,06 giờ. Đặc biệt 10,3% HS đi học thêm 7 ngày/tuần và chỉ có 2,5% cho biết chỉ học thêm 1 ngày/tuần mà thôi. Như vậy có thể thấy hiện nay việc học chính khóa và học thêm đã chiếm gần hết thời gian của HS, vì vậy việc tham gia các hoạt động ngoại khóa hay vui chơi giải trí là rất hạn chế.

Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về thời gian học thêm. Cụ thể ở cấp THCS, mỗi HS học thêm 3,9 ngày/tuần, HS ở cấp THPT học đến 4,4 ngày/tuần. Kết quả học tập có mối tương quan thuận với số buổi đi học thêm, tức học thêm càng nhiều thì kết quả học tập càng tốt và ngược lại, cụ thể HS có kết quả học tập loại giỏi thì số ngày học thêm trung bình là 4,2 ngày, trong khi với HS loại trung bình và yếu thì số ngày học thêm lần lượt là 3,6 và 3,3 ngày/tuần.

Lý do học thêm là gì? Học thêm có tác động gì đến HS? Đánh giá chung về việc học thêm hiện nay?

Những lý do hàng đầu khiến HS phải đi học thêm là nhằm củng cố kiến thức đối với các môn học yếu (48,8%), kế đến là học thêm để theo kịp chương trình chính khóa (41,9%) và thứ ba là do bản thân các em thích đi học thêm (39,4%). Đặc biệt cuộc khảo sát cũng cho thấy 17,3% HS cho biết đi học thêm là để học trước chương trình học chính khóa và 14,6% cho biết không học thêm thì không đạt được điểm cao.

Tất nhiên, lý do học thêm cũng còn phụ thuộc cấp học và thành tích học tập của HS. Chẳng hạn, đối với HS đang học THPT, lý do chủ yếu là để củng cố kiến thức (62,1%), để theo kịp chương trình chính khóa (56,6%) và để chuẩn bị cho kỳ thi đại học (53,3%); ngược lại, đối với HS đang học THCS, lý do đầu tiên để học thêm là do bản thân thích học (46,6%) và sau đó mới đến lý do củng cố kiến thức (40,6%). Còn đối với HS có học lực giỏi, chủ yếu là do bản thân thích học (45,7%), HS có học lực trung bình đi học thêm chủ yếu để củng cố kiến thức các môn học yếu và để theo kịp chương trình học.

Như vậy, lý do chủ yếu để đi học thêm hiện nay của HS thường là nhằm củng cố kiến thức và để theo kịp chương trình do chương trình học hiện nay quá nặng. Số liệu khảo sát cho thấy chỉ có 2,3% HS cho biết chương trình học hiện nay là nhẹ và 39,8% cho là bình thường trong khi có đến 57,9% còn lại đánh giá chương trình học hiện nay là từ khá nặng đến rất nặng. Như một nam HS THPT cho biết: “Tại vì nền giáo dục VN mà em phải học thêm, chương trình quá nặng chẳng để làm gì, chỉ để thi”. Một nữ sinh THPT khác cho biết: “Em phản đối việc học thêm vì quá nặng đối với HS, nhưng do trên lớp chưa đầy đủ kiến thức nên phải đi học thêm”.

Về tác động của việc học thêm đối với HS, đa số HS đều cho biết việc học thêm đã lấy hết thời gian nghỉ ngơi và giải trí (51,6%), vì vậy HS cũng cho biết cảm thấy mệt mỏi vì phải học quá nhiều (36,1%), đồng thời việc học thêm quá nhiều cũng khiến HS không có thời gian tự học và học bài tại nhà (26,2%), tốn quá nhiều tiền cho việc học thêm cũng là điều được khá nhiều HS nêu lên trong cuộc khảo sát này (20,3%).

Như vậy, mục tiêu của giáo dục là nhằm tạo ra những công dân có sức khỏe và có kiến thức có thể sẽ không thành hiện thực vì việc học cả chính khóa lẫn học thêm hiện nay đã làm HS mệt mỏi và không còn thời giờ để giải trí, vui chơi. Với nội dung chương trình như hiện nay, việc học thêm là không tránh khỏi và việc này chắc chắn sẽ để lại những hệ quả không tốt đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của HS. Việc giảm tải chương trình chắc chắn là điều cấp bách nếu chúng ta muốn HS có cơ hội phát triển toàn diện.

Khi được hỏi về sức khỏe hiện nay, đa số HS đều cho rằng cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng (57,4%), trong đó có 62,6% HS nữ cho biết việc học hiện nay là mệt mỏi và căng thẳng.

HS có dự định thi đại học không?

77,3% HS cho biết mình sẽ thi ĐH trong tương lai, và chỉ 2,4% quả quyết không thi ĐH, số còn lại đang do dự. Tuy nhiên, khi xem xét ý định này giữa HS THCS và HS THPT, chúng tôi thấy có một sự khác biệt đáng quan tâm: 68,9% HS THCS cho biết sẽ thi ĐH (so với 90,6% HS THPT) và 31,1% còn lại cho biết sẽ không thi hoặc chưa biết có thi ĐH hay không. Con số này rất có ý nghĩa vì nếu chúng ta muốn định hướng nghề nghiệp cho HS cũng như muốn giảm bớt lãng phí khi có quá nhiều HS chọn thi ĐH thì chúng ta phải bắt đầu định hướng ngay từ khi còn ở bậc THCS chứ không phải là năm cuối bậc THPT như hiện nay đang làm.

Cuộc khảo sát được thực hiện cuối tháng 10-2008 với 480 HS cấp THCS và THPT (năm trường THCS và ba trường THPT công lập) trải rộng trên địa bàn các quận 3, 9, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp. Vì là một khảo sát mang tính khai phá nên mẫu được sử dụng là “mẫu tình cờ”: người hỏi đến các trường và phỏng vấn trực tiếp HS hiện đang học thêm ngoài chương trình học chính khóa.

MINH TIẾN & XH-CT07
Tuoitreonline

This entry was posted on 11/27/2008 03:24:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

1 Lời bình:

On lúc 16:35 4 tháng 12, 2008 , Nặc danh nói...

Mình đánh giá cao bài viết này, có số liệu và phân tích thống kê khoa học.
Tuy nhiên, chắc người viết bài không hiểu kỹ nên viết "mẫu ngẫu nhiên" thành "mẫu tình cờ", tuy không sai nhưng trong ngành chẳng ai gọi như vậy cả.

2 nhỏ em, suốt ngày ba bắt đi học, bán trú luôn. Từ sáng đưa đi, tối mịt chở về nhà. Thật là chẳng có khoa học gì cả, nói hoài mà có chịu tiếp thu đâu. Chắc phải đợi lúc mình về nhà mới gây áp lực được, tự dạy mấy đứa luôn.
Mà biết đâu tụi nó không chịu nổi mình, xin đi học thêm nữa.
Nhớ ngày xưa mình thích đi học thêm chỉ vì ở đó vui, gặp bạn bè, chứ ở nhà buồn hỉu buồn hiu.
Bên Lorian-English có đứa than với mình là bài tập về nhà nhiều quá, có hôm bỏ 6h đề làm bài, không có thời gian cho bản thân, thấy cũng nặng thật, nó mới 14 tuổi, ở Ireland. Mà cũng đâu có đi học thêm đâu.