Author: Lorian Mr
•8/07/2011 09:08:00 SA
Một bài hát đem lại cho người nghe một chút nhớ, một chút thương, một chút hoài niệm, một chút quyến luyến… nhưng cuối cùng là một khoảng không gian miên man nhớ về những điều mình đã đánh mất, những điều mình đã bỏ quên. Cuộc sống không thể theo ta, ta chỉ có thể theo cuộc sống nhưng không thể nào nắm bắt hết được nó khi bàn tay ta quá nhỏ bé. Ta không có những gì tốt nhất nên cứ làm tốt nhất những gì ta có, cố hết sức để không còn hối tiếc điều gì, hạnh phúc khi nó đến nhưng cũng thanh thản khi nó ra đi.

Có một chút
Sáng tác: Đức Trí

Có một chút nhớ nhớ, có một chút yêu yêu
Có một chút bối rối, có một chút hoang mang
Vẫn còn đấy bỡ ngỡ, vẫn còn đấy ngây thơ
Vẫn còn đấy quyến luyến, đêm về vẫn chưa quên

Ta tìm chút hoang mang, đem giấu vào đêm tối
Khi tình vẫn ngây thơ, biết đâu đời lập lờ
Con đường vẫn đơn sơ, ta mãi hoài thương nhớ
Đêm buồn những câu thơ, gửi cho người tình hờ

Sao đời cứ quấy rối, sao tình cứ nơi đâu
Ta tìm mãi chẳng thấy, nên giờ cứ lang thang
Thôi thì vẫn cứ ngóng, thôi thì vẫn long đong
Ta tìm những khoảng trống, giữa đất trời mênh mông

Thôi từ cứ nhớ nhớ thôi thì vẫn yêu yêu
Thôi thì chút quyến luyến, thôi thì vẫn bơ vơ
Bơ vơ mãi bơ vơ, đêm dài vẫn mãi nhớ
Bơ vơ mãi bơ vơ, chết trong ngày tình cờ.

Mình kiếm được 2 bản của bài hát này, một bản hát trong vở kịch Ngàn năm tình sử (không có cảnh), một là clip của ca sĩ Phương Vy (có hoạt cảnh nên trông sống động hơn).





Khúc bi tráng Ngàn năm tình sử

Không ít tác phẩm sân khấu từ cải lương, chèo, tuồng đã khắc họa thật tinh tế nhân vật dũng tướng Lý Thường Kiệt, thế nhưng trong vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử với bản dựng của NSƯT Thành Lộc thì nhân vật Lý Thường Kiệt được thể hiện bằng nét độc đáo riêng

Không phụ lòng mong đợi của khán giả, vở nhạc kịch khai thác đề tài lịch sử đầu tiên của sân khấu TPHCM mang tên Ngàn năm tình sử đã ra mắt khán giả, trong suất diễn vào tối 17-7, tại Nhà hát Bến Thành – một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá là dấu son thứ hai về kịch lịch sử, sau Bí mật vườn Lệ Chi của NSƯT Thành Lộc và Sân khấu Kịch IDECAF.

Thi ca hóa nhân vật

Cảnh trí và trang phục vở diễn thật nền nã và nên thơ, nhờ thế những nhân vật trong lịch sử bước ra nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Lãng mạn thay với cảnh làng quê thanh bình, yên ả, chàng trai Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt tựa lưng người yêu Thuận Khanh thổi sáo, mơ ước đến ngày hôn lễ. Rồi cũng cảnh làng quê đó nhưng không gian nhuốm màu chia ly khi nàng Thuận Khanh bị tên gian thương họ Lý sàm tấu với hoàng hậu, đưa vợ sắp cưới của Ngô Tuấn vào cung hầu hạ nhà vua.

Mười ngày phép sau đợt thao binh do Thái sư Lý Đạo Thành thưởng công cho Lý Thường Kiệt đã trở nên u ám. Trở về doanh trại chàng bị trừng phạt, nhưng đòn roi không đau bằng trái tim chàng tan nát vì tình yêu. Để gặp được Thuận Khanh trong nội cung, chàng phải đồng ý làm hoạn quan.

Không ngăn được tình yêu của chàng trai trẻ giỏi việc mưu binh, Lý Đạo Thành chấp thuận để Lý Thường Kiệt tự hoạn, vì ông tin rằng chỉ bằng cách này chàng dũng tướng mới nhanh chóng tiếp cận nhà vua, đồng thời thỏa nguyện ước được gặp Thuận Khanh trong nội cung.

Cuộc trùng phùng sau 24 năm chia lìa đằng đẵng giữa Thuận Khanh (Thanh Thủy) và Lý Thường Kiệt (Thành Lộc). Ảnh: T.Quyên

Vậy mà tiếng sáo với khúc Lương châu du dương, lãng mạn đêm đêm chàng thái giám họ Lý vẫn thổi, mãi đến 24 năm sau khi tóc đã ngả màu thời gian, tiếng sáo ấy mới lọt vào cung cấm. Khi tìm được tông tích người yêu thì triều đình gặp biến, lúc này Lý Thường Kiệt đã được nhà vua tin trọng khi ông ngăn chặn được âm mưu sát hại nhà vua.

Chức thái úy của ông được nhà vua ban tặng sau đó đã giúp triều đình bình ổn việc binh, giữ yên xã tắc. Vua đột ngột qua đời, Lý Đạo Thành muốn đưa hoàng hậu Thượng Dương lên ngôi nhiếp chính, trong khi quần thần muốn Lý Thường Kiệt quay ngựa về triều, phò Nguyên Phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính.

Hai quan điểm trái ngược khiến tình thầy trò Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt sứt mẻ. Cảnh Lý Thường Kiệt quỳ dưới mưa rước thầy về lại triều đình, cùng ba quân đánh đuổi quân Tống thật xúc động. Chất thi ca hào hùng trong từng lời thoại không chỉ toát lên vẻ đẹp của những bậc tiền nhân mà còn gửi đến người xem hôm nay lời khuyên răn hữu ích: Sống có trước, có sau, biết dẹp bỏ tình riêng để lo cho đại sự.

Sưu tầm
This entry was posted on 8/07/2011 09:08:00 SA and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: