Author: Lorian Mr
•7/02/2010 11:56:00 SA
Vào mùa World Cup theo kiểu của Joe - đó không chỉ là tập trung vào trận thắng - thua, mà Joe dành thời gian để quan sát, lắng nghe phần tường thuật của… bình luận viên. Bài viết mới nhất dưới đây là quan điểm, cách nhìn của cá nhân Joe, xin giới thiệu cùng độc giả.

Lại một tuần thức đêm xem bóng đá.

Lại một tuần các anh bình luận viên khiến tôi muốn chạy ra rừng, tìm cây lá ngón, tạm biệt World Cup 2010.

Trước hết tôi biết nền tảng về lĩnh vực bình luận bóng đá ở VN vẫn đang phát triển. Tôi biết các anh bình luận viên muốn phục vụ người dân tốt nhất có thể. Tôi không muốn trách người ta trước đám đông hoặc phàn nàn một cách thái quá, vô căn cứ. Vấn đề là tôi đã phát điên rồi và như một quả bom bị châm ngòi, tôi không thể không nổ!

Cứ coi bài này là tôi đang thầm thì với chính tôi đi nhé, các bạn đang nghe trộm.

Buffering! (đệm)

Điều làm tôi điên nhất là một số anh bình luận viên hiếm khi nói một câu từ đầu đến cuối mà không dừng lại mấy lần ở giữa. Giật vấp, vấp giật, giống lúc xem clip Youtube bị “buffering” liên tục vì internet chậm quá.

- “Trọng tài Howard Webb…(buffering)…đã…(buffering)…rút ra một chiếc thẻ…”

- “Ắc-yên Rô-bần đã có một…(buffering)…pha bóng …(buffering)…rất đẹp mắt và…

- Có lẽ đấy…(buffering)…cũng là một điều…(buffering)…cho thấy rằng….”

Nguy hiểm nhất là từ “của”. Hình như có chút nhầm lẫn giữa dấu chấm và liên từ. Dấu chấm là yêu cầu dừng lại. Liên từ là yêu cầu sang phần câu tiếp theo… liền.

“Những cú sút xa của... các cầu thủ mặc áo vàng”

Nghe có vẻ như đến từ “của” anh bình luận viên trên vẫn chưa biết những “cú sút xa” ấy thuộc các cầu thủ mặc áo màu gì: phải dừng lại một lát mới nhớ.

Nhận ra vụ buffering này một lần là không thể không nhận ra thêm nhiều lần, giống khi đi café với một em xinh đẹp, sau 30 phút bỗng nhận ra em ấy có thói quen bĩu môi, nhận ra xong không thể tập trung vào nội dung cuộc trò chuyện nữa.

Nói để nói

Hơn nữa, một số anh bình luận viên (tôi xin không nói các anh nào, làm việc ở đài gì) có khá nhiều câu “lười”, không mang lại thông tin bổ ích.

“Các cầu thủ Chile đang đứng trước thử thách rất lớn và… đó cũng là cơ hội thể hiện sự xuất sắc của mình…”

Ai cũng biết Chile đang đứng trước thử thách rất lớn. Ai cũng biết các trận Top 16 là cơ hội thể hiện sự xuất sắc của mình. Thay vì nói ra những điều rõ như ban ngày, tại sao các anh không chuyển những thông tin bổ ích mà khán giả xem truyền hình không thể tự biết được? Một vài thống kê thú vị? Một câu chuyện lịch sử? Bất cứ điều gì cũng được miễn không thuộc loại “thử thách lớn” và “cơ hội thể hiện”.

“Khi đá penalty bên cạnh bản lĩnh… phải có may mắn…”

Thật hả? Tôi cứ tưởng bên cạnh bản lĩnh phải có bún bò Huế, tóc giả màu hồng và hai chiếc bugi của xe Honda Dream sản xuất vào năm 1982. Hóa ra chỉ cần thêm may mắn là được!... Lá ngón của tôi đâu?

“Đấy là thẻ vàng thứ ba của Kaka tại World Cup năm HAI-NGÀN-LẺ-MƯỜI”

Các anh ơi, “tại World Cup này” được rồi. Không ai nhầm World Cup 2006 đâu.

Phong phú để phong phú

Khó chấp nhận hơn bệnh “nói để nói” trên là bệnh “phong phú để phong phú”.

Đội tuyển Brazil. Các cầu thủ mặc áo vàng. Các chàng trai Samba. Các học trò thầy Dunga. Thôi! Tôi nghĩ một bình luận viên chuyên nghiệp sẽ gọi các cầu thủ Brazil là “các cầu thủ Brazil” từ đầu đến cuối trận (nếu dùng “nickname” chỉ có vài lần phù hợp, ví dụ Brazil ghi bàn và các cầu thủ đang nhảy Samba thật).

Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ông không bắt đầu xưng “tôi”, rồi chuyển sang “anh”, rồi “mình”, rồi quay lại xưng “tôi” đâu. Đó là sự phong phú vô nghĩa. Những chỗ cần phong phú thì ông rất phong phú, những chỗ không cần thì ông không - thế mới có điểm nhấn!

Tôi không muốn các cầu thủ Anh bỗng thành con sư tử, các cầu thủ Đức bỗng thành xe tăng, các cầu thủ Nhật bỗng thành người Samuri, các cầu thủ Hàn Quốc bỗng thành bát kim chi khổng lồ… Tôi cũng không muốn các cầu thủ trưởng thành bỗng thành “học trò” ngoan ngoãn và tôi quá biết các cầu thủ đang mặc áo màu gì.

“Cũng nhiều người…”

“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng tạo…”

Ai? Những người nào? Bao giờ? Cũng nhiều người nói rằng trái đất phẳng và Hitler bay từ mặt trăng xuống.

Theo tôi, “Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh đang thiếu sáng tạo” là câu lười. “Hôm qua Franz Beckenbauer nói rằng đội tuyển Anh đang trở lại với thời chạy và sút” là câu chăm chỉ. Số lượng câu chăm nhỉ nên nhiều hơn.

Tội có cảm giác “cũng nhiều người nói rằng” dịch từ ngôn ngữ bình luận viên Việt Nam sang… ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông có nghĩa là “Tôi nghĩ rằng”.

Sao không nói “Tôi nghĩ rằng” luôn, rồi giải thích cụ thể vì sao “tôi” nghĩ như thế?

Các anh bình luận viên cũng hay lạm dụng từ “luôn”. “Các cầu thủ Brazil luôn thể hiện tinh thần đồng đội…Các cầu thủ Chile luôn sẵn sàng tấn công…Các cầu thủ Algeria luôn cho thấy yếu kém…”.

Vấn đề là không cầu thủ nào luôn thể hiện, tỏ ra, hoặc cho thấy điều gì hết. “Thường xuyên” thì có, nhưng “thường xuyên” vẫn chưa rõ ràng. “Các cầu thủ Brazil đã thể hiện tinh thần đồng đội rất cao trong 20 phút đầu của hiệp hai…” là câu rõ ràng hơn nhưng bình luận viên vẫn phải nói thêm: tinh thần đồng đội ấy được thể hiện như thế nào?



Lỗi tại ai?

Đó là chưa kể đến cách phát âm tên cầu thủ chưa nổi tiếng (siêu buffering) hoặc những “câu cửa miệng” nói đi nói lại (mà tốt hơn không nói) -“Rất nguy hiểm!”.

Vậy lỗi tại ai?

Để có câu trả lời chúng ta phải hiểu vì sao đội tuyển Anh bị loại sớm.

Đó không phải lỗi tại trọng tài. Đó không phải lỗi tại Fabio Capello. Đó cũng không phải lỗi tại ông trời và số phận. Đó là do các cầu thủ Anh chưa đủ trình độ, bất kể trọng tài, huấn luyện viên, hoặc ông trời là ai. Lưu ý: đó là do các cầu thủ Anh chưa đủ trình độ, không phải “lỗi tại” các cầu thủ Anh; chưa làm một việc vì chưa khả năng làm không phải là cơ sở để trách mắng.

Đó là lỗi tại Liên đoàn bóng đá Anh và các đơn vị quản lý đào tạo khác.

Tây Ban Nha có 750 huấn luyện viên cầm băng loại A của UEFA. Anh chỉ có 150. Hơn nữa, 150 huấn luyện viên người Anh đó, tất cả đều làm ở các câu lạc bộ chuyên nghiệp, tập luyện hàng ngày cùng các cầu thủ trưởng thành. Số 750 huấn luyện viên người Tây Ban Nha loại A, 640 làm ở các trường học bình thường cấp 1 đến cấp 3. Họ dạy các cháu 5 tuổi trở lên cách chơi bóng đá “thông minh” - chuyển nhanh, nghĩ nhanh, phản xạ nhanh dựa trên nền hiểu biết. Ở Tây Ban Nha các cháu không bị bắt phải tập trên sân lớn (như các cháu ở bên Anh) mà được phát triển khả năng kỹ thuật trên sân nhỏ, chuyện thắng thua không quan trọng.

“Nhà máy” đào tạo cầu thủ trẻ bên Anh vẫn có thể sản xuất ra các ngôi sao, nhưng đó là loại ngôi sao bóng đá không trọn vẹn. Vì sao Rooney, Gerrard, và Lampard đá hay cho các câu lạc bộ Manchester United, Liverpool và Chelsea? Đơn giản vì ở các câu lạc bộ đó họ là bộ phận của hệ thống nhập về. Các ngôi sao bóng đá Anh có thể tỏa sáng trong một hệ thống do các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài tạo nên - nhưng họ không có khả năng tự tạo nên một hệ thống hiệu quả cho nhau.

Điều đó đòi hỏi loại chất xám đặc biệt phải phát triển từ bé.

Còn loại chất xám cần thiết để bình luận về bóng đá? Chắc phải đợi đến khi nhà đài và các đơn vị quản lý đào tạo khác coi việc bình luận bóng về đá là nghề nghiệp thực sự, có chương trình đào tạo lâu năm, có đầu tư kỹ thuật (và nghệ thuật!), có tiền lương xứng đáng, có ê-kíp nghiên cứu hỗ trợ, có điều kiện hợp lý (bình luận viên phải có mặt ở sân vận động chứ!)… thì mới có thể bỏ hàng rào điện quanh các cây lá ngón trong rừng.

JOE
Dantri.com.vn

This entry was posted on 7/02/2010 11:56:00 SA and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: