Author: Lorian Mr
•10/22/2024 11:26:00 CH
Bài viết rất nhiều thông tin của tác giả Lý Xuân Hải, một góc nhìn rất khác mà ít người viết, lưu lại để tham khảo.

1. TRẬT TỰ LÀ CÁI GÌ.
Trật tự thể hiện phân bổ quyền lực trong quá trình ra quyết định bao gồm: ai quyết, thủ tục ban hành, áp chế và thực thi.
Trật tự doanh nghiệp là hệ thống quản trị phân bổ quyền, trách nhiệm và điều chỉnh quan hệ các chức danh. Trật tự quốc gia là thể chế -mô hình cai trị: tổ chức xã hội, hệ tư tưởng, luật, lệ, quyền lực. Trật tự thế giới là cơ chế quyết định, hệ thống quyền lực điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia.
Trật tự là quá trình ra và thực hiện quyết định. Mọi trật tự cần quyền lực duy trì trật tự ấy… thông qua các trụ cột là các cấu thành quyền lực.

2.THE GODFATHERS
Từ những năm 1930 có 5 gia đình điều hành toàn bộ thế giới ngầm New York: Gambino, Genovese, Bonanno, Colombo, Lucchese. Quyền lực nhất là 2 gia đình nhà Gambino và Genovese.
(5 gia đình này là mẫu cho 5 đại gia đình trong tiểu thuyết của Mario Puzo và phim Bố Già -The Godfather: Corleone, Barzini, Tattaglia, Stracci và Cuneo, trong số đó 2 gia đình Corleone và Barzini là lớn và mạnh nhất. Nhân vật Vito Corleone lấy hình mẫu từ Frank Costello pha trộn một chút với Carlo Gambino. Carlo Gambino là phó tướng của Frank Costello, sau lật đổ Costello lên làm ông trùm).
Đây là Ngũ đại gia đình xã hội đen quyền lực và cùng nhau chia sẻ lợi ích cũng như quyết định gần như mọi vấn đề của xã hội ngầm New York.
Còn có nhiều gia đình, băng nhóm khác yếu về lực, nhỏ về quy mô và kém về tài chính, quan hệ… kinh doanh chuyên sâu một lĩnh vực nửa trắng nửa đen nhỏ nào đó hoặc lệ thuộc hoặc là đàn em của một trong các thành viên Đại gia đình.
Ngũ đại gia đình sử dụng sức mạnh và bạo lực, luật giang hồ ra ân tạo oán duy trì quyền lực. Với kẻ yếu thì dùng sức mạnh đàn áp quy phục. Với nhau thì vừa là đối tác vừa là đối tượng: ngoài mặt tôn trọng lợi ích, chung sống hoà bình, cùng nhau khai thác nhưng trong bụng thì luôn dè chừng cảnh giác, cạnh tranh, khi có cơ hội thì tiêu diệt đối tượng để chiếm thị trường bành trướng giành ngôi Trùm của Trùm.
Tất cả đều hiểu rừng nào cọp nấy, kể cả gia đình mạnh nhất cũng không thể một mình ăn hết mà buộc phải chia sẻ, cân bằng lợi ích tức duy trì một trật tự ổn định được chấp nhận. Một thế ổn định, cân bằng chông chênh nhưng khá vững. Bởi ngũ Đại gia đình có thể mâu thuẫn căm nhau đến tận xương tủy bởi các mối thù gia tộc chồng chéo nhưng luôn tôn trọng luật giang hồ là trụ cột giữ ổn định:

a. Nước sông không động nước giếng.
Tôn trọng khu vực lợi ích, vùng ảnh hưởng, địa bàn đã định hình làm ăn của nhau.

b. Không cho kẻ lạ chia sẻ miếng bánh.
Cùng nhau đập chết những kẻ mâm dưới hay tay mơ từ trong dám nhoi đầu lên đòi ngồi chung mâm chia sẻ quyền lực và lợi ích.

c. Hy sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích lớn, cùng nhau giữ miếng bánh chung:
Khi gặp mối đe doạ bên ngoài, ví dụ sự tấn công của chính quyền vào thế giới ngầm hay băng nhóm từ nới khác đến, thì đoàn kết cùng nhau chống lại bảo vệ nồi cơm chung.

d. Tôn trọng thỏa thuận và thông lệ giang hồ:
Vì không ai tin ai nên cơ chế chế tài để các bên phải thực hiện thoả thuận là vô cùng khắc nghiệt (ví dụ như gia đình Bocchicchio chuyên nghề trung gian hòa giải).
Giữ lời hứa, cam kết là một trong các nguyên tắc sống còn. Nếu bị kết luận đã vi phạm là bị tẩy chay, truy sát, nhận đòn hội đồng.

e. Giải quyết mâu thuẫn qua đàm phán khi có thể và duy trì kênh liên lạc thường xuyên:
Các gia đình thường xuyên gặp gỡ song phương hay đa phương, chia sẻ và giải quyết mâu thuẫn, tạo lập các liên minh ngắn hạn để duy trì thế và lực cũng như hệ thống quyền lực chung… triệt hạ kẻ phá thối.

f. Tất nhiên bản chất giang hồ không thể thay đổi và ngầm bên trong các gia đình hoặc đơn phương hoặc kết hợp nhằm lật đổ ai đó chia nhau miếng bánh của kẻ ngã ngựa. Kết cục là trật tự cũ bị phá vỡ tang thương. Để rồi hình thành một trật tự mới với các ông trùm, bố già mới… với thế cân bằng ổn định mới.

3. TRỤ CỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI
Trật tự thế giới sau 1945 chẳng khác xã hội ngầm New York những năm ấy. Nó được vận hành dựa trên thế “Ổn định chiến lược” của Ngũ đại gia đình hùng mạnh nhất là Mỹ, Liên Xô (Nga), Anh, Pháp, Trung Quốc.
Duy trì “Ổn định chiến lược” là học thuyết yêu thích của H. Kissinger. Bản chất là tìm cách thoả hiệp, cân bằng lợi ích và tôn trọng cam kết thông qua các cơ chế kiểm soát sức mạnh đủ để loại bỏ các động cơ phá vỡ thế cân bằng và status-quo.
Trong quá trình ấy trật tự thế giới đã hình thành và theo tôi dựa trên 6 trụ cột quyền lực:

a. Quyền lực Chính trị: là Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Năm 1945 Liên Hiệp Quốc (LHQ), một kiểu chính quyền thế giới, được thành lập. Có 5 cơ quan đang hoạt động thuộc LHQ: Đại hội đồng LHQ (ĐHĐLHQ); Hội đồng Bảo an (HĐBA) và Thường trực HĐBA; Ban Thư ký đứng đầu là Tổng thư ký; Ban Kinh tế Xã hội; và Toà Công lý (ICJ).
- ĐHĐLHQ gồm tất cả các nước thành viên. Mỗi thành viên 1 phiếu. Không phân biệt to nhỏ, đóng góp nhiều hay ít. Mỹ đóng 22% ngân sách LHQ (trên $820 triệu/năm, tổng góp có khi cả chục tỷ) cũng 1 phiếu như đảo quốc Palau chỉ đóng nhõn 28.000$/năm! ĐHĐLHQ rất bình đẳng và dân chủ!!! Mỗi cái vì dân chủ kiểu thế nên ĐHĐLHQ không có quyền quái gì ngoài việc bầu Tổng thư ký, nhưng cũng do Thường trực Hội đồng Bảo an (TTHĐBA) đề cử chứ cũng chả được tự chọn, mọi nghị quyết muốn có tác dụng ràng buộc phải được HĐBA thông qua không thì chỉ để tự sướng. Một kiểu đám cỗ giữa làng.
- Đầu não và quyền lực thật của LHQ là Hội đồng Bảo an (HĐBA), đúng hơn là Thường trực Hội đồng Bảo an (TTHĐBA). TT HĐBA là cơ quan quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên. Có 5 thành viên thường trực là các nước thắng trận WWII gồm Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô (Nga), Trung Quốc. Đó là các cường quốc tiềm lực quân sự - kinh tế mạnh nhất, nghiễm nhiên có ghế, không cần bầu, đồng thời là 5 “ông trùm” có thực lực hành pháp, chế tài.
- Nguyên tắc ra quyết định của TTHĐBA là đồng thuận. Bởi mỗi trong 5 ông trùm thường trực HĐBA đều có quyền phủ quyết: khi 1 thành viên TTHĐBA phủ quyết thì mọi ý kiến ý cò của ĐHĐLHQ lẫn HĐBA vứt vào sọt rác. Các thành viên khác HĐBA chỉ làm cảnh. Chỉ 5 ông trùm ấy vừa được quyền “biểu” vừa thực quyền “quyết”. Quyền lực thực thi các quyết định của HĐBA trên thực tế do các ông trùm thực hiện tuỳ quyết định ấy do ông trùm nào đề nghị, gần đây thường vẫn là Mỹ và đồng minh do có lực hơn.

b. Quyền lực Tài phán: Toà Công lý Quốc tế (ICJ)
LHQ là cơ quan lập pháp thế giới có chức năng xây dựng Luật pháp quốc tế. LHQ có cơ quan tài phán là Toà Công lý Quốc tế ICJ để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Mỹ tuy tham gia tích cực vào việc hình thành ICJ nhưng không tham gia ICJ và không công nhận quyền tài phán của tòa này, chỉ ủng hộ. “Ủng hộ” tức là chấp nhận nếu Toà xử “chúng nó” và không chấp nhận nếu xử “chúng tao”. Hơn nữa luật pháp quốc tế bị xếp dưới Luật pháp quốc gia bởi yếu tố chủ quyền nên ICJ có phạm vi tài phán “tuỳ mỗi nước, thích thì chơi”. Tóm lại ai cũng “ủng hộ”.
Cơ quan tài phán của Chính quyền LHQ ấy không có lực lượng chuyên chính chế tài. Muốn chế tài ai phải sử dụng sức mạnh quân sự của các ông trùm làm nòng cốt, các nước khác chỉ tham gia cho có. Do vậy phán quyết nào muốn “đi vào cuộc sống” thì phải không động chạm mấy ông trùm hay đệ ruột các ông ấy bởi cần được TTHĐBA với cơ chế đồng thuận thông qua mới có lực chế tài.
Cần chú ý: Tòa hình sự quốc tế (ICC) khác ICJ. ICC là tổ chức liên chính phủ, không phải là cơ quan của LHQ (dù LHQ tham gia tích cực vào quá trình hình thành ICC). Một lần nữa Mỹ, dù tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc thành lập ICC, nhưng cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Iraq, Israel, Libya, Qatar và Yemen (toàn những ông lắm chuyện) Mỹ không công nhận Toà ICC… mà chỉ “ủng hộ” như trên. Cho nên khi Toà quốc tế ra lệnh bắt TT Putin vì phạm tội ở Ucraina thì Nga cười khẩy, Mỹ ủng hộ. Khi ICC bắt đầu điều tra tội diệt chủng của TTg Israel Netanyahu thì Israel cười ruồi, TT Biden tuyên bố Mỹ không công nhận quyền tài phán của ICC.
Bản thân Mỹ có đạo luật cấm xử công dân Mỹ làm theo lệnh nhà nước.
Các trùm khác cơ bản cũng “ủng hộ” IJC và ICCnhư Mỹ.

c. Quyền lực Chuyên chính - Quân sự:
5 ông trùm TTHĐBA được độc quyền công khai phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân. Mấy ông trùm này ngoài miệng cam kết không sử dụng VKHN linh tinh mà chỉ dùng đó như một công cụ răn đe để các nước khác không vi phạm luật pháp quốc tế… bản chất là duy trì trật tự.
Các ông trùm ấy muốn giữ vai trò độc quyền sở hữu vũ khí hạt nhân nên bày ra Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân… nhưng dành cho các nước khác. Bản chất là quốc tế hoá vai trò độc quyền này… và ép các nước không có ký. Mấy ông không ký bị ép các ra bã. Tên lửa tầm xa cũng vậy.
Những ông thấp cổ bé họng cố sắm vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa mà không thuần phục như Triều Tiên, Iran bị hành; bé nhưng “phe ta” thì được lờ đi cho làm như Israel, Pakistan. Với mấy ông to đầu không dễ ép như Ấn Độ, Nam Phi thì nhắm mắt bỏ qua. Nhưng mấy anh mới nổi ấy số lượng đầu đạn hạt nhân chả là gì so với kho vũ khí của 5 ông trùm: Nga, Mỹ mỗi ông hơn 5.500. Trung Quốc 500. Anh khoảng trên 200, Pháp gần 300, Ấn Độ và Pakistan 170, Israel 90, Triều Tiên 50, Nam Phi không rõ. 5 ông trùm cũng đóng vai trò chính trong thực thi Luật pháp quốc tế: bỏn mà đồng lòng uýnh thì khó ai chống lại. May 30 năm qua bỏn chỉ đồng lòng uýnh có 1 nhát là vụ tẩn Iraq lần 1.

d. Quyền xác lập phạm vi lãnh thổ:
Phạm vi lãnh thổ các quốc gia, vương quốc trong lịch sử loài người thay đổi liên tục sau các cuộc chiến liên miên trong lịch sử loài người. Mà xưa nay đánh nhau chỉ vì lãnh thổ. Do vậy quyết được vấn đề lãnh thổ là giải quyết được nguy cơ chiến tranh, lập hoà bình vĩnh viễn như ước mơ các nhà lập LHQ. Các nước thắng cuộc WW2 chọn ngày G là bản đồ địa lý hiện trạng sau WW2 điều chỉnh tý ti rồi chốt. Những gì họ chưa vẽ, biên giới các quốc gia mới hình thành thì tự thoả thuận và lấy hiện trạng tại WW2 làm mốc.
Bản chất là xoá bỏ quá khứ đánh chiếm đất đai của nhau, từ bỏ khái niệm “vùng đất lịch sử” là thứ cãi nhau muôn đời không hết. Tuy nhiên Hiến chương LHQ lại cho quyền tự quyết dân tộc. Quyền này được các ông trùm sử dụng tối đa trong việc làm suy yếu đuối thủ và mở rộng vùng ảnh hưởng.

e. Chia khu vực ảnh hưởng quyền lực và vùng lợi ích.
Sau WW2 thế giới được chia ra các vùng ảnh hưởng, khu vực lợi ích của các cường quốc: mỗi ông trùm có các “sân sau” của mình và được các ông trùm khác tôn trọng: “nước sông không phạm nước giếng” tạo thành các khối, liên minh, cộng đồng. Chạm vào là uýnh nhau to. Khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cu Ba là ví dụ đầu tiên.
Bản đồ chia vùng ảnh hưởng này cũng do mấy ông trùm thắng cuộc WW2 vẽ theo kiểu gentlement đổi chác như ngoài chợ nên khái niệm vùng ảnh hưởng, vùng lợi ích rất mờ nhạt, không có văn bản xác nhận và tuỳ hứng, đúng hơn tuỳ khả năng “gánh team” mà mỗi ông trùm đơn phương tuyên bố: Mỹ tuyên bố khu vực lợi ích của mình là toàn cầu, nay vẫn vậy; Liên Xô là Đông Âu, nay đã hết; Trung Quốc lúc đầu không được gì, nay bắt đầu nói về “khu vực lợi ích cốt lõi”. Vùng ảnh hưởng, vì vậy, thay đổi theo thời gian do thế lực các ông trùm Ngũ đại gia đình thay đổi, cả sự thay đổi lựa chọn mô hình phát triển của các thế lực cai trị ở mỗi quốc gia.

f. Quyền lực Kinh tế - Tài chính - Tiền tệ:
- Về kinh tế: Mỹ và Châu Âu cùng đồng minh Nhật Bản thuộc khối OECD, cụ thể là nhóm G7, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Cả về mô hình thị trường, chuẩn mực hoạt động lẫn động lực tăng trưởng.
Sự vùng lên cuả Trung Quốc, sắp tới có thể là Ấn Độ, sẽ làm đầu tàu này lệch về châu Á và giảm vai trò châu Âu, mỗi vị thế No1 nước Mỹ khá chắc khó thay đổi.
- Về tài chính tiền tệ: cho đến hôm nay nền Tài chính tiền tệ toàn cầu dựa trên Thoả ước Bretton Woods với 4 cấu thành trụ cột:
* Đồng USD có vai trò đồng tiền chung của thế giới;
* Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là NHTW thế giới thực hiện chính sách tiền tệ chung;
* Ngân hàng Thế giới (WB) - Bộ Tài chính thế giới - là NH Phát triển chung.
* WTO (lúc đầu là GAAT): tạo lập một thị trường chung là Thị trường thế giới.
- Có thể thấy ở đây vai trò chủ chốt và quan trọng bậc nhất của Mỹ và đồng USD trong hệ thống Tài chính Tiền tệ toàn cầu. Tại cả IMF lẫn WB Mỹ đều là cổ đông lớn nhất mọi nhẽ nên tầm ảnh hưởng cũng lớn nhất. Mỹ giữ quyền bổ nhiệm người Mỹ làm Chủ tịch WB, thỏa hiệp với EU - đồng minh cứng của Mỹ - quyền bổ nhiệm người châu Âu làm TGĐ IMF. Đồng Euro của EU đóng vai trò thứ nhì sau USD trong vai trò tiền tệ thế giới.
Kinh tế, Tài chính, Tiền tệ… Mỹ là Trùm của trùm.

4.TRẬT TỰ BỊ THÁCH THỨC
Chiến tranh lạnh kết thúc làm xuất hiện mất cân bằng, tức mất ổn định: Trật tự thế giới từ đầu những năm 90s bắt đầu đối mặt những thách thức lớn.

a. Mất cân bằng sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự:
Thế giới đơn cực: Mỹ không còn đối trọng xứng tầm. Nga ngập trong khủng hoảng. Trung Quốc chưa kịp mạnh lên.
Mỹ ngày càng mạnh càng muốn giữ Status Quo muốn duy trì trật tự đơn cực sau 90s, tìm cách dìm Nga Trung để đầm chắc vai trò thống soái và xuất khẩu thịnh vượng theo mô hình dân chủ của Mỹ dẫn đến một thế giới đơn cực cũng lại phá vỡ trật tự trước đó chưa hẳn có lợi cho Mỹ. Bố già Kissinger nhắc đến rủi ro này nhiều.
Nga gượng lại cơ bắp muốn quay về tình trạng trước 90s.
Còn Trung Quốc thì mài nanh vuốt hất chân Mỹ.

b. Mất cân bằng lợi ích:
TTHĐBA hiện tích tụ quá nhiều mâu thuẫn lợi ích đối kháng dẫn đến Tam đại gia đình Mỹ và đồng minh - Trung - Nga ngày càng khó đạt được thoả hiệp.

c. Nhóm đại gia mới nổi đòi miếng bánh quyền lực
ĐHĐLHQ với cơ chế mỗi quốc gia một phiếu không có quyền quyết định nào xếp các nước không là TTHĐBA cá mè một lứa ngồi mâm dưới.
Nhóm đại gia có tầm ảnh hưởng lớn mới: Đức, Nhật, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi v.v lực không nhỏ nhưng ghế mâm trên không có. Họ không muốn chỉ có một phiếu thông thường nên thảy đều nhắm đến việc có một chân ở mâm trên tại TTHĐBA. Thể thức G7, G20 v.v là cách xoa dịu cảm giác ấm ức ấy nhưng không thể so với ”cái mâm giữa làng LHQ”.

d. Vùng ảnh hưởng của các ông trùm bị thay đổi gây bạo loạn:
Sau WW2 các quốc gia thắng trận gồm Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô cùng nhau ngồi chia vùng ảnh hưởng. Mọi thứ tương đối ổn định đến 1991 thì thay đổi.
Mỹ thắng chiến tranh Lạnh mở rộng vùng ảnh hưởng bao vây sát các đối thủ. NATO đến sát biên giới Nga. Toàn cầu hoá dưới ngọn cờ của Mỹ tăng tốc mạnh… thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Mỹ trở thành thủ lĩnh, là Trùm của Trùm đúng nghĩa. Thế giới trở thành đơn cực.
Nga không phát triển được về kinh tế, thất vọng với quá trình ngôi nhà chung Châu Âu, ấm ức vì bị hạ nhục do thua chiến tranh lạnh đang nuôi ý thức phục hồi Đại Nga… trong khi vùng ảnh hưởng bị cắn gần hết, bị thu hẹp bởi thế lực suy tàn. Nga tứ bề thọ địch, đối thủ sát nách, nguy cơ sát sườn. Nên sau khi khôi phục lại năng lực quốc phòng, nổi khùng đá văng mâm bát trật tự thế giới đánh Ucraina. Nga cũng phải tự trách mình: đó là quy luật “Cá chọn chỗ nước sâu người chọn chỗ sống tốt” (Ngạn ngữ Nga); Phù thịnh không phù suy. Nga không xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, triết lý quản trị quốc gia phát triển và hệ thống quyền lực mềm hữu dụng… là nguyên nhân đầu tiên làm Nga ngày càng cô độc, đồng minh hay vùng ảnh hưởng cũ mất từng mảng vào tay Mỹ, Trung. Do vượt trội về kinh tế, công nghệ và khả năng truyền bá văn hoá… Phương Tây là sự lựa chọn rất dễ hiểu với nhiều người. Dù chọn khác cũng không hẳn sai. Ấy là để nói với ai có quyền được chọn thôi.
Trung Quốc không được chia, vì thế khi mạnh lên đã tự chọn vùng ảnh hưởng và bắt đầu vẽ “khu vực lợi ích chiến lược” theo kiểu “đường lưỡi bò” để đòi chia phần bánh cho mình. Bên cạnh đó từ sau 2010 Trung Quốc công khai thách thức toàn diện vai trò số 1 của Mỹ.

e. Tư pháp quốc tế mất vai trò Công lý quốc tế:
Có Luật pháp quốc tế nhưng không có quyền lực và cơ chế chế tài cưỡng chế thực thi độc lập. Muốn chế tài (ví dụ dùng UN Peace Keeper) phải sử dụng nguồn lực của các quốc gia TTHĐBA là chính và một lần nữa phải chờ TTHĐBA đồng thuận. Khi các ông này không đồng thuận thì xuất hiện quân hồi vô phèng, mạnh ai nấy làm.
Cái gọi là Luật pháp quốc tế thành son phấn trang điểm cho Ngũ đại gia đình TTHĐBA khi họ đánh hội đồng kẻ khác.
Còn thì các ông trùm coi nó như mớ giẻ rách.
Năm 1979 Trung Quốc lấy cớ “dạy bài học” rất ngang ngược đánh sang Việt Nam và có Mỹ ngầm ủng hộ.
Những năm 90s-2000s độc tôn quyền lực tuyệt đối cho phép nước Mỹ và đồng minh có các hoạt động bất chấp HĐBA và giải thích Hiến chương LHQ theo ý mình tại Nam Tư, Iraq, Libya. Có cảm giác nước Mỹ muốn nhân rộng công thức thịnh vượng chung của mình ra toàn thế giới một cách rất vội vã.
Sang 2022 Nga đánh Ucraina.
Ông trùm nào cũng kêu tuân thủ luật pháp quốc tế khi có lợi ích nhưng ngồi xổm lên khi bất lợi. Lợi ích quốc gia trên hết. Bị đe doạ là chém nhau. Ai mạnh hơn sẽ thắng, sẽ đúng, sẽ là luật. Đó là thực chất của luật pháp quốc tế ngày nay.

f. Nền tài chính - tiền tệ thế giới còn an toàn?
Lợi ích kinh tế là nền tảng tham vọng chính trị. Tham vọng chính trị áp đặt hướng chảy của dòng tiền. Đồng USD là vũ khí lợi hại: 21st Century Peace through Strength là ví dụ. IMF và WB đang phục vụ lợi ích các cổ đông, nhà tài trợ lớn nhất là nước Mỹ và đồng minh. Cũng đúng thôi họ bỏ tiền ra mà. Mọi thứ vẫn ổn khi còn cân bằng thế lực và lợi ích chung lớn nhất là ổn định chiến lược. Xài chung hệ tài chính tiền tệ nhiều chục năm đã đem lại lợi ích chung trong hội nhập.
Nhưng khi mâu thuẫn lợi ích thì sao? Tài chính tiền tệ toàn cầu có an toàn? Giải pháp là gì? Câu hỏi này chắc chắn có trong đầu hầu như tất cả các lãnh đạo quốc gia. Và chỉ việc đặt câu hỏi thôi đã là câu trả lời. Xu thế tìm phương án thay thế đồng USD mạnh dần. Trong 6 trụ cột đây là nơi dễ “chọc” nhất, đang và sẽ bị thử thách dưới vỏ bọc của các nước cờ khác.

5. PHIẾM BÀN

a. Trật tự thế giới với 6 trụ cột đã hình thành và tồn tại gần 80 năm. Việc giao thực quyền cho LHQ và các cơ quan của LHQ, cơ chế quyết định trên nền tảng lãnh đạo tập thể và đồng thuận tại TTHĐBA với quyền phủ quyết tạo ra sức ép phải nỗ lực tìm kiếm và đạt thoả hiệp với các mâu thuẫn đôi khi đối kháng của các ông trùm TT HĐBA khi hành động… cân bằng tạo Ổn định Chiến lược. Trong một thời gian dài đó là yếu tố tạo nên sự hình thành và tồn tại song song các hệ thống cân bằng nhau, ổn định quyền lực quốc tế và giữ cho thế giới tránh được những thảm hoạ, phần nào làm lạnh những cái đầu quá nóng, chung sống hoà bình, cùng nhau phát triển và thúc đẩy hội nhập toàn cầu hoá kinh tế.

b. Ổn định chiến lược: Bản chất là Trò chơi về Thế trên nền tảng KHÔNG CÓ NIỀM TIN. Niềm tin duy nhất là: “Không ai tin ai, không tin cái gì ngoài niềm tin rằng ‘Sểnh ra là chúng nó cho nhà ta đi ăn bùn’”. Nhưng không ai đủ sức đứng trên tất cả, ăn hết cả… và cho đám còn lại ăn bùn. Nên phải chia sẻ lợi ích, quyền lực: ông nào khoẻ ăn nhiều, ông bé ăn ít. Không nên để ông nào đói quá tất làm loạn. Lấy nỗi sợ hãi làm công cụ răn đe: Hạn chế vũ khí tấn công, hạn chế luôn hệ thống cảnh báo, hạn chế chạy đua vũ trang v.v cũng là để răn đe, đảm bảo không ai có thể, không ai muốn và không ai nỡ dám phá đổ trật tự hiện hữu.

c. Như Ngũ Đại gia đình New York, 5 ông trùm TTHĐBA với 3 nhóm lợi ích dù chả bao giờ tin nhau nhưng khi phải đối mặt nguy cơ huỷ diệt chung từ bên ngoài, đại dịch, biến đổi khí hậu, hay chống bọn tiểu yêu khủng bố đòi chòi mâm son chia sẻ quyền lực và lợi ích, hay cấm các nước khác sắm hàng nóng như vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa tầm xa… luôn sẵn sàng tôn trọng thoả ước và lợi ích nhau kể cả trong đối đầu, cùng nhau duy trì trật tự hiện hữu tạo nên THẾ cân bằng chiến lược.
Nhấn mạnh THẾ cân bằng chiến lược bởi còn yếu tố LỰC. Lực trong quan hệ quốc tế đo bằng quy mô nền Kinh tế, sức mạnh nền Tài chính, độ đi đầu của Công nghệ và Kỹ thuật, tiềm lực Quân sự, quyền lực mềm: Văn hoá, giá trị sống, tâm lý… tài nguyên và con người.
Tích lực tạo thế là quá trình các trùm vờn nhau. Chưa đủ thế, lực để thắng thì kêu gọi Hoà Bình, tức là Ổn định chiến lược. Đủ là tìm cách bem nhau.

d. Gia đình Corleone được yêu mến nhờ Mario Puzo ưu ái, cũng như Lưu Bị trong Tam Quốc nhờ La Quán Trung. Nguyên mẫu của họ phức tạp hơn và không “dễ thương” như sách hay phim đâu. Họ vì “gia đình” mình thôi. Bởi bản chất của thế giới giang hồ là bạo lực, cá lớn nuốt cá bé, hổ báo ăn thịt hươu nai.
Các ông trùm đang bảo vệ hay rung lắc trật tự thế giới cũng vậy cả. Vì lợi ích quốc gia mình. Chả vì giá trị phổ quát hay vì bất kỳ ai. Chả cảm xúc yêu ghét gì. Cũng chả vì cái chung. Muốn không bị chén thì hoặc thành hổ báo, cá lớn, hoặc lập các bầy đàn. Chính tà nhờ truyền thông thôi. Đúng sai thì ai thắng cuộc người ấy đúng. Thế thôi.

e. Trật tự như LHQ trong thể chế cai trị quốc gia đa thế lực, quản trị doanh nghiệp đa sở hữu khá hiệu quả. Cho đến khi một ai đó muốn thay đổi.
Lực cân bằng tạo thế. Thế giúp tạo lực mạnh hơn.
Thời thay đổi, Lực thay đổi. Lực đổi tạo Thế mới… tức là trật tự mới. Cuộc đời luôn vẫn như vậy.

f. Dường như tham vọng quyền lực theo cả nghĩa rộng và hẹp nằm trong ADN tất cả các con người, tổ chức, quốc gia. Nhìn thái độ người hâm mộ với kết quả của đội tuyển bóng đá Việt Nam 30 năm qua thì thấy rõ.
Cần coi tham vọng quyền lực là bản chất như bản năng trong mỗi con người, như cá lớn ăn cá bé, hổ báo ăn hươu nai… không thể bảo tốt hay xấu.
Dùng lý trí soi hành động các quốc gia, con người, tính toán để đối phó và đạt lợi ích cho mình. Đừng để cảm xúc chi phối: cảm xúc biến ta thành con rối của tham vọng ngay.

6.
Tất cả những sự kiện, xu thế toàn cầu diễn ra bao thập kỷ qua đều khởi phát từ tham vọng thay đổi và chống thay đổi trật tự thế giới hiện hữu.
Bất kỳ lúc nào nếu 1 trong các trụ cột trật tự bị rung lắc là quyền lực đang bị thách thức, chuẩn bị có biến lớn. Nay thì dường như cả 6!
Các Đại gia đình gồng cơ bắp triệt hạ đối thủ. Các bên vốn trung lập đang bố trí lại thế đứng. Nghĩa là trật tự thế giới mới đang sắp hình thành.
Phân mảng kinh tế đang thúc đẩy phân mảng tiền tệ. Muốn nhìn xa hơn phải chờ các nước đi tiếp theo.

Ảnh: vi.pngtree.com/
This entry was posted on 10/22/2024 11:26:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: