Author: Lorian Mr
•11/06/2010 10:40:00 SA
Một cậu bé có thói quen cho cá ăn ở góc bể. Mỗi khi nhìn thức ăn rơi xuống, con cá gần đó lao tới và đớp lấy mồi rồi bơi đi ngay. Một lần bé có ý tưởng đùa nghịch, bé đặt tấm kính thủy tinh chặn ở góc bể. Ngay khi thức ăn được thả xuống, con cá kia lao tới và đâm sầm vào tấm kính. Cá không hiểu tại sao và cứ cố gắng thử tiếp vài lần nữa, cuối cùng nó bỏ cuộc trong đau đớn. Hôm sau, bé bỏ tấm kính đi và thả thức ăn xuống. Nhưng lạ thay, con cá kia không màng đến mà vẫn cứ bơi. Trong khi đó, một con cá khác từ xa lao tới đớp lấy mồi, rồi bơi đi. Sau vài ngày, con cá kia chết. Hãy nghĩ xem con cá chết, nó không bao giờ chết vì đói, mà là vì chính kinh nghiệm đau khổ mà nó đã trải qua.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều trường hợp kinh nghiệm hạn chế các cơ hội đến. Thực tế là chúng ta hầu như không bao giờ nhìn nhận được thực tế. Tất cả những gì bạn đang nhìn thấy bằng mắt không phản ánh hoàn toàn sự thực. Gặp lại một người bạn hôm nay chưa chắc anh ta đã giống ngày hôm qua, ấy vậy mà khi được hỏi anh ta là người thế nào, bạn có thể sẽ kể rất chi tiết như đi guốc trong bụng anh ta vậy. Kể cả một cái “tôi” ngày hôm nay ít nhiều cũng khác cái “tôi” ngày hôm qua, thế mà nhiều người có thể tin suốt đời vào những cái nhãn tiêu cực “Tôi lười biếng, Tôi không thông minh, Tôi không đủ khả năng” được gán từ lâu rồi. Để rồi lầm tưởng rằng quá khứ đã vậy, thì hiện tại tương lai cũng khó khác được. Sở dĩ như vậy là vì có một lăng kính vô hình ngăn giữa ta và sự vật, hiện tượng. Lăng kính đó được xây dựng bởi thái độ sống, được hình thành bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Mỗi người có quan điểm, trải nghiệm khác nhau nên lăng kính cũng sẽ mờ đục khác nhau. Điều mà chúng ta nhìn thấy là ảnh của sự vật hiện tượng kèm với các cảm xúc xen lẫn, đôi khi trái ngược nhau.

Đối với những người còn đang giữ lấy lăng kính tiêu cực, còn suy nghĩ theo những lề lối thói quen cũ kỹ, còn giữ mãi những kinh nghiệm đau khổ, còn óc phân biệt đánh giá, còn phản ứng mạnh mẽ với tình huống bên ngoài, thì đó chính là giới hạn lớn nhất mà họ đã tự đặt ra cho bản thân. Có thể giới hạn đó sẽ tạm thời giúp họ trốn vào “vùng an toàn” chật hẹp của mình, nhưng đồng thời nó cũng sẽ dập tắt mọi cơ hội tốt đẹp đang đến. Để hiểu được chân lý này, bản thân tôi cũng phải trả giá là một khoảng thời gian dài đeo lăng kính mờ đục kia trong đau khổ. Cái nhìn lẫn lộn giữa quá khứ, tương lai khiến ta chạy đua với hàng ngàn dòng suy nghĩ – có vui, có buồn, có lo lắng, có sợ hãi – nó khiến ta không có thời gian dừng lại để quan sát bản thân. Giờ đây lăng kính của hiện tại giúp tôi nhìn thấy thật rõ ràng những bài học từ quá khứ, những kinh nghiệm hạn chế mình, giúp tôi nhìn thấy những mối lo âu, bận tâm không cần thiết, giúp tôi tiết kiệm được thời gian, năng lượng của mình. Tôi thấy luôn tràn trề sức sống, không ngừng sáng tạo, giúp ích cho đời, cho người. Tôi đã dừng lại, dừng lại để thay một lăng kính khác tinh khiết hơn, trong sáng hơn, để có thể mở lòng, đón nhận những điều mới mẻ, những cơ hội thú vị trong cuộc sống. Tôi đã dừng lại, còn bạn?

Sưu tầm
This entry was posted on 11/06/2010 10:40:00 SA and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: