Author: Lorian Mr
•10/24/2010 10:29:00 CH
Hai người già ngồi cạnh nhau trên băng ghế gần cửa. Có lẽ trên chuyến xe này họ là hai người bất hạnh nhất. Từng tuổi này còn dắt díu nhau đi thăm con cái khi chẳng đứa nào về thăm mình, bắt chuyến xe ít tiền nhất để tằn tiện quà bánh cho mấy đứa cháu Sài Gòn...

Mình ngồi gần họ, nghe được tiếng họ thì thầm, thấy được cái tuổi họ không còn nhiều cho sự sống. Suốt chặng đường không dài lắm với mình (và quá dài với họ) bất chợt nghĩ ngày sau, khi mình cứ mãi lao vào vận may rủi cơm áo gạo tiền thì có lẽ gần hết đời mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như họ mà thôi.

Họ là một đôi vợ chồng thất thập cổ lai hy, cụ ông và cụ bà ngồi cùng nhau trên băng ghế trước gần cửa xe nhất, bên dưới gầm ghế cơ man nào là túi và giỏ, có lẽ bên trong đấy là cả một trời quê hương và tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho con cháu, dành cho những đứa con được cha mẹ nâng niu, nuôi nấng từ mảnh đất còi cọc mà khi lớn lên tất cả những người con ấy (vì một lý do khách quan nào đó) đã từ chổi quê hương, từ bỏ cha mẹ để cuốn đời trẻ vào con đường mưu sanh (như mình chẳng hạn) ở đất Sài Thành này.

Tôi đã hối hả về thăm những đứa con bé bỏng sau gần hai tháng quên mất mình còn có chúng. Tôi cảm nhận được sự hồ hởi trong tôi gấp một vạn lần cái sự hồ hởi đợi chờ của ba đứa nhỏ, tôi như chạm được vào sự vui mừng gấp một ngàn lần những đứa con về sự ôm ấp yêu thương khi ôm lấy chúng. Và không chối bỏ điều tôi đã đắn đo đong đếm chi li khi phải chọn về thăm con hay ở lại tiếp tục xoay vòng với công việc chất ngất, với nỗi lo toan mênh mang hơn cả nỗi nhớ thương con. Ừ thì về đại như mình liều một chuyến vậy (yêu con đến nỗi phải liều mà bỏ việc về thăm đấy). Có thể chúng sẽ hiểu và cũng có thể mình phải chấp nhận điều chúng không muốn hiểu. Nước mắt có bao giờ lại chẳng chảy xuôi…?!


Nước mắt chảy xuôi đến bao giờ nhỉ? Khi những giọt nước mắt yêu thương cạn khô đặc quánh lại trên gò má không còn thanh xuân nữa, giọt nước mắt khẽ khàng vướng víu lại nơi những nếp nhăn mà mỗi bận thời gia qua đã cuốn theo sự nhớ thương, sự lo lắng rồi từ đó nhũn nhàu theo năm tháng. Giọt nước mắt già nua đó (có lẽ) đang nằm đâu đó dưới khóe mi hai cụ ông cụ bà đó, họ ngồi ngang băng ghế vợ chồng tôi.

... Thật vất vả khi phải đón xe khách dọc đường, phóng tót lên xe chỉ với ý nghĩ mau mau trở lại Sài Gòn cho kịp công việc bỏ dở, quên cả việc kén chọn xe khách chất lượng cao hay thấp, không kịp nghĩ đến sự tiện nghi hay không tiện nghi vào thời điểm này nữa. Tạm thời không còn kịp nghĩ mình phải đổi bao nhiêu tiền để được phục vụ mà chỉ cần thời gian nhanh hay chậm, cũng có thể đôi lúc tự tặng thưởng cho mình một chuyến phiêu lưu trên chuyến xe tốc hành không bến bãi. Ngồi trên những chuyến xe đó thay vì hồi hộp lo lắng không biết nhà xe sẽ “bán” mình sang xe khác lúc nào thì mình cứ nghĩ với số tiền ít ỏi đó mình đang mua được một vé trọn gói cho những trò chơi mạo hiểm trong công viên, thay vì đến nơi đến chốn thì mình cứ chuẩn bị sẵn tinh thần là sẽ phóng nhanh xuống xe khi vào cửa ngõ thành phố và bắt nhanh chuyến xe bus nào đó để kịp vào bến xa cảng miền tây. Ở nơi đó còn một chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ trong bãi từ đêm qua sau khi ký vào giấy cam kết gửi xe qua đêm sẽ không kiện cáo nếu trầy xước.

Xe dừng đón khách.

Cụ ông tranh thủ bước xuống “giải quyến vấn đề” ngay phía dưới, có lẽ vì thế mà hai ông bà cụ chọn băng ghế gần cửa nhất?! Bất đắc dĩ ngồi trên chuyến xe ấy thì người ta có vô tâm, có mệt mỏi và có lười đến cỡ nào cũng phải hé răng nhắc nhở phụ xế: "Còn ông cụ bên dưới nhe!”

Đáp lại là tiếng chửi thề lầm bầm của nhà xe, tiếng cười khinh khỉnh của phụ xế vì bất kỳ ai đó đã làm mất quá nhiều thời gian của họ. Chuyến xe (chưa đủ gọi là bão táp) lại vút đi bằng tất cả sự bàng quang của phụ xế và cánh cửa xe tự khép khi cụ ông chưa kịp ngồi vào chỗ của mình, phía trước mặt không có cả thanh chắn bảo hiểm.

Thở dài đánh sượt…

Lại miên man nghĩ về họ, hai người già ngồi cạnh nhau trên băng ghế gần cửa. Có lẽ trên chuyến xe này họ là hai người bất hạnh nhất. Từng tuổi này còn dắt díu nhau đi thăm con cái khi chẳng đứa nào về thăm mình, bắt chuyến xe ít tiền nhất để tằn tiện quà bánh cho mấy đứa cháu Sài Gòn.

Cầm chặt trong tay cụ bà là tờ lịch cũ nắn nót những con số được bắt đầu bằng đầu số 090…. cuối đó là cái tên (theo như tôi nghĩ) thằng con trai cưng, có lẽ người đàn ông ấy cũng bận bịu như mình nên sau khi ai đó trên xe gọi giùm cụ bà số điện thoại ấy chỉ nghe trả lời gọn lỏn rằng: "Cứ đến bến xe sẽ có người ra đón vì anh ấy quá bận”. Bất chợt rùng mình nghĩ đến bản thân mình vài mươi năm nữa chân run run đứng chơ vơ giữa phố phường xa lạ chờ người nhà của thằng con đến đón mình về nhà hắn mà sợ. Thôi thì thay vì để đón chờ điều đó trong vài mươi năm nữa thì từ bây giờ cứ lo về thăm bọn trẻ trước cho “phải phép”. Nếu không sau này già yếu đau bệnh lại phải lê lết thân già đi như thế thì khổ.

Ừ mà cứ nghĩ đi, hai người họ đáng thương biết bao trong mắt mọi người. Nào là khổ sở với con cái, nào là lên xuống xe để giải quyến vấn đề tuổi cao trên suốt chuyến đường dài, đổi lại cánh nhà xe khó chịu càm ràm (chưa kể chửi rủa) bỡn cợt. Nào là lo lắng sự đón rước đằng sau dãy số được bắt đầu từ đầu số 090… Nhưng có ai nhận ra điều mà hai con người họ có được hơn tất cả mọi con người trên chuyến xe này không nhỉ? Đó chính là sự “có nhau” đến gần hết cuộc đời, chí ít thì họ cũng đã có nhau trong nỗi khổ cực vừa nếm trải, có nhau trong cơn bệnh tật ốm đau, có nhau trong cả sự chơ vơ giữa chốn Sài Thành mà chính con cái họ vô tình đặt để.

Sự có nhau của hai con người ấy thật sự không dễ gì khiến người khác phải nghĩ đến ngoài những cái nhếch môi cười ruồi theo đôi ba câu cụ bà bắt chuyện. Có thể anh phụ xế là người tốt khi bấm số điện thoại hộ con trai bà, cũng có thể ngay sau đó anh ta biến thành kẻ rỗi hơi khi cười ha hả nói vào tai bà cụ: "Máy con hết tiền rồi”. Và ngay sau đó anh ta lại trở về điểm xuất phát của con người (là người tốt) và bảo cụ bà mượn điện thoại ai đó bên dưới gọi cho con trai.

Bỗng dưng thấy cả vợ lẫn chồng mình đều trở thành người vô cảm khi cả hai chiếc điện thoại cạn kiện nguồn pin từ tối hôm qua. Và theo nguyên tắc của cuộc sống riêng mình, cả hai dù không ai nói ra cũng đủ tự hiểu: Sau tất cả những gì ngoài tầm tay hoặc lực bất tòng tâm, tuyệt đối không được thốt ra câu nói được bắt đầu bằng hai chữ “giá như…”, vì thật sự mình có giá như abc... hay xyz… nào đó thì cũng không giúp ai được gì thêm.

Ngồi đó, mắt nhắm nghiền để nghe bên dưới ai đó đang phàn nàn anh con trai của hai cụ đã hỏi quá nhiều trong khi điện thoại họ tiết kiệm từng đồng từng cắc trong tài khoản. Có thể người con quan tâm đến cha mẹ mình mà quên béng đi việc hai ông bà cụ đang nhờ điện thoại người khác, cũng có thể “người khác” đó cân đo quá tỉ mỉ giữa sự tử tế và tiền bạc…. Cuối cùng thì “người khác” ấy cũng gọi lại lần nữa: "Anh cho người ra bến xe đón ba mẹ anh về!”

Trên một chuyến xe gần đủ ba mươi con người xa lạ, nửa đường sang xe khác họ nghĩ niềm vui và sự trả ơn cha mẹ tất tần tật đều được họ vun đắp đủ đầy bằng vật chất, bằng cách đặt cha mẹ ngồi vào bàn, cơm có người dâng, nước có người rót, đừng đi nhiều sẽ va vào những món đắt tiền mà khổ (cho họ) chứ không phải lo cha mẹ tay chân già yếu vụng về. Tôi có đả kích hay quy kết bất kỳ người con nào đó trong hoàn cảnh này không hay thật sự tôi đang nghĩ về viễn cảnh của chính mình trong vào mươi năm nữa?

Xe vào bến.

Đúng ngay cái bến chúng tôi cần đến, nơi mà chút nữa tôi sẽ vào bãi lấy xe máy, hai vợ chồng sẽ chạy thật nhanh về nơi chúng tôi sẽ cắm mũi vào lo toan, tính toán mưu sanh. Người nhà của anh con trai đó có đến đón hai ông bà cụ hay không chúng tôi cũng quên nghĩ đến, "người khác" tử tế có lẽ đang kiểm tra lại tài khoản trong điện thoại của mình. Cánh nhà xe có lẽ tất bật dọn quét sàn xe cùng với vài ba câu chửi đổng… Sài Gòn mà, việc ai nấy làm và cuộc đời ai nấy sống. Xoay vòng như con chốt gió dưới quê, đi thật nhanh, cuốn tất cả mọi thứ xoáy theo nó thật nhanh rồi tan biến… Hệ quả phía sau cơn chốt gió là tất cả những gì ta từng chấp nhận đánh đổi khi bắt đầu chấp nhận lao theo…

Võ Thụy Như Phương
VnExpress
This entry was posted on 10/24/2010 10:29:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: