Author: Lorian Mr
•6/01/2010 08:50:00 CH
Bữa nọ tôi gửi cho bạn bè bài thơ Đi lễ chùa của nhà thơ Dư Thị Hoàn, một anh bạn người Mỹ bảo anh khóc khi đọc đến câu "Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng". (**)

Trẻ em mang đến cuộc sống này những niềm vui bất tận, có thể xóa tan những "đường biên" mà người lớn tạo ra - Ảnh: Hồng Ngọc Chương (trang Triển lãm ảnh Hồn nhiên tuổi thơ)

Anh nói đối với anh đó giống như nỗi buồn lớn nhất trên thế gian này!

Anh hỏi đó là suy nghĩ riêng của tác giả hay là cách nhìn chung của người Việt Nam? Một câu hỏi rất thú vị, nó làm nảy ra một câu hỏi khác.

Điều gì ngăn cách hai thể xác và tâm hồn có lúc ngỡ như đã hòa làm một? Để nỗi lòng như con nước căng tức muốn tung phá hết tất cả mà lại không vượt qua nổi, dù chỉ là một giọt nước mắt?

Trẻ em - hạt nhân xóa ngăn cách

Xóm tôi có một đứa bé mới biết đi lẫm chẫm. Chiều mát nhà lại mở cổng cho nó đi chơi. Nó lon ton, ngó chỗ này, nghiêng nhà nọ, bà nó chạy theo sau nó mỗi bước.

Không ai mời nó cũng vào, cửa đóng thì nó đứng ngoài dòm vào trong nhà, cất những tiếng ê a chưa thành lời như để gọi. Những cánh cửa sắt khóa lạch xạch mở ra. Người ta cười với nó, nói với nó, nhưng nó không biết nói chuyện. Những câu chuyện và nụ cười lan sang người lớn, kể cả ở những nhà ít tiếp xúc với hàng xóm nhất. Chú nhỏ như hạt vừng mà có sức mạnh kỳ lạ khiến những cánh cửa đóng chặt nhất cũng phải mở ra.

Phải chăng chính những đứa bé chưa thể làm được gì đó lại có thể dời được những tầng tầng lớp lớp đá tảng, tới nơi sâu thẳm nhất trong con người ta, mở lối cho suối nguồn yêu thương tuôn trào? Và chỉ khi đó người ta mới có thể đến với nhau một cách dễ dàng, như trăm dòng sông nhỏ hòa vào biển, không còn phân biệt được đâu là sông dài và ngắn, đâu là sông chở nặng phù sa và sông trơ đáy?

Mỗi lần nhìn những đứa trẻ vô tư nô đùa với nhau, chuyện trò với nhau, nắm tay nhau dung dăng dung dẻ dù mới gặp nhau lần đầu, tôi lại thấy ở đó dường như có cái gì đó thật đẹp, thật phi thường đang diễn ra.

Chính ở những đứa bé chưa một ngày cắp sách đến trường này lại có một cái gì đó rất đáng để tôi học. Ở sân chơi của những công dân "hỉ mũi chưa sạch" này không có cánh tả hay cánh hữu, sang hay hèn, thông minh hay ngu si, thành thị hay nhà quê, cấp tiến hay lạc hậu, có học hay vô học...

Một "thế giới phẳng!"

Krishnamurti cho rằng giao tiếp, ngay cả ở giữa những người biết nhau rất rõ, là một việc vô cùng khó khăn. "Người ta chỉ có thể hiểu nhau khi gặp nhau ở trên cùng một mặt phẳng, vào cùng một thời điểm. Và điều đó chỉ xảy ra khi người ta thật sự có tình cảm với nhau". (***)

Tại sao giữa những người lớn lại khó có thể có những cuộc nói chuyện chân thành, cởi lòng với nhau đến vậy?

Cái tình cảm trong trẻo khiến những đứa bé lạ lẫm chưa từng gặp nhau có thể dễ dàng đến với nhau ấy đã biến đi đâu mất khi người ta lớn lên, học nhiều hơn, biết nhiều hơn?

Con suối đã cạn kiệt hay mạch nguồn bị lấp bởi những tảng đá của cái tôi ngày càng lớn?

Người ta càng lớn lên thì thế giới phẳng thuở nhỏ ấy lại càng bị chia thành những ngăn, những lô nhỏ hơn để phân biệt giữa những người sành điệu và những gã nhà quê, giữa người có và người không có... Những đường biên, những bức tường phân chia được dựng lên ngày càng nhiều bởi mặc cảm, sự tự ti, lòng kiêu ngạo, thói khinh đời, tị hiềm...

Người ta càng ngạo nghễ trong những lâu đài của mình thì càng xa cách với phần còn lại của thế giới.

Những đứa trẻ đã cho tôi thấy rằng để đến với nhau, người ta cần phải bước ra khỏi những lâu đài, thánh đường đó.

Chỉ khi ấy, người ta làm một hành trình ngược trở lại, bỏ xuống tất cả những gì người ta khoác lên mình từ khi mới sinh ra đời để trở về với tâm hồn thơ ngây thuở ban đầu, khi đó người ta mới có thể ở cùng trên một mặt phẳng, mới có thể có tình yêu thật sự, mới có thể nói chuyện được với nhau, hiểu được lòng nhau dù là qua một giọt nước mắt không rõ.

LÊ ĐỨC TÂN

Chú thích:

(*) Tựa cuốn sách: Tôi đã học được ở vườn trẻ tất cả những gì tôi thật sự cần học (All I really need to know I learned in kindergarten) của tác giả Robert Fulghum.

(**) Câu thơ trong bài thơ Đi lễ chùa của Dư Thị Hoàn.

(***) Một đoạn văn trong cuốn The first and last freedom (Tự do đầu tiên và cuối cùng) của Krishnamurti.

This entry was posted on 6/01/2010 08:50:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: