Author: Lorian Mr
•1/06/2010 12:07:00 SA
Tình yêu luôn là chủ đề xuyên suốt trong các ca khúc Việt. Tuy nhiên, người làm sao của bào hao làm vậy, cách thổ lộ tình yêu bằng âm nhạc cũng dần biến đổi. Đặc biệt đối với giới trẻ đang sống trong một thời đại gấp gáp và tràn ngập thông tin, việc thể hiện tình yêu đối với họ trở nên dễ dàng và đơn giản. Không còn những câu chữ cầu kỳ, bóng gió hay ẩn dụ "mận hay đào" như các cụ xưa kia nữa.Với mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có một quan niệm khác nhau về văn học nghệ thuật. Giới trẻ giờ đây rành rẽ các loại game online, truyện tranh và nhạc hip-hop... hơn là những tiểu thuyết dày cộp và những bản nhạc trữ tình sâu lắng. Không còn những quy chuẩn ràng buộc trong tình yêu cá nhân, con người được tự do bày tỏ tình cảm theo mọi cách. Trong âm nhạc là cuộc biến chuyển lớn khi những câu chuyện tình yêu được thể hiện qua một thứ ngôn ngữ rất đời thường, trực diện và nhiều khi là trần trụi, sáo rỗng...

Những điệp từ: anh yêu em, em là tất cả những gì anh cần, nhớ em phát điên, vắng em anh muốn chết, chia tay, trái tim tan vỡ, tha thứ, lệ hoen my, xa cách, trái đắng, hờn ghen, lẻ loi, luyến tiếc… được dùng trong hầu hết các ca khúc hiện nay. Các bài hát là muôn vàn tâm trạng: não nề, bi thương, đau đớn, trách cứ lẫn nhau.

"Nữ hoàng nhạc teen" Bảo Thy thường vẫn gào thét với bài "Xin đừng xát muối trái tim em": "Nếu anh còn yêu em thì xin chớ xát muối thêm người hỡi. Khi trái tim dại khờ còn một vết thương, đau lắm anh ơi".

Trong một sáng tác của Lâm Chấn Huy: "Thì thôi em đã sai" cũng là thứ tình cảm thời @, với những câu chữ như văn nói: "Người hỡi chớ nên hờn dỗi/ Dù em đã không hề sai/ Nhưng người nói em đã sai/ Thực chất em đay đã đúng.../ Giờ tự nhiên anh mang giận hơn/ Thì thôi tại em đã sai, xin lỗi anh được chưa","Sao anh lại gạt em?","Sao mình đến với nhau để giờ đây cuộc tình lại trái ngang".


Tác giả của những ca khúc này, nhiều người mới bước vào tuổi đôi mươi, nhưng dường như họ đã trải qua nhiều mối tình và tình nào cũng dang dở. Những câu hát nhạt nhẽo cùng những giai điệu na ná nhau cứ vang lên một cách rên rỉ: "Lòng em đau thì anh cũng không được vui sướng"; "Bên cạnh nhau ngỡ như thật xa, không dám nhìn, không nói gì, dường như chúng ta chưa từng quen"; "Giờ anh nói chính anh lại không muốn, chẳng lẽ em lại muốn thế, anh đổ lỗi cho em vậy sao/ Đổ lỗi để làm gì… anh chắc không phiền em nữa đâu…".

Việc đưa ngôn ngữ đời thường vào ca khúc cũng là cách thể hiện một góc nhìn, một nhu cầu của đời sống trẻ nói chung cũng như đời sống âm nhạc nói riêng. Nhưng đưa hết những từ ngoài đường vào bài hát dễ tạo ra sự phản cảm như: "Có khi ta buồn như con chuồn chuồn";"Không đau vì quá đau"; "Không ghen không phải là đàn ông", "Tình yêu ngày nào chỉ là ong bướm thôi, những câu dối lừa đừng tưởng là mình đã yêu, cuộc chơi bao lâu nay không còn vui nữa đâu em, em đừng như thế,... Thì tôi luôn là tôi, luôn dối gian như thế, tại em mà tôi như thế".

Đổ lỗi cho nhau, rồi than thân trách phận: "Người nồng nàn bên em mà sao vẫn vui bên ai kia, thật em đây, thật lòng chẳng biết tin ai";"Đừng tưởng rằng chỉ mình em phải đau, còn anh đây không đau chút nào sao? Có biết em đau rất đau? Nhưng anh cũng rất đau".

Vẫn biết, các nhạc sĩ lão thành như Hồng Đăng, Thuận Yến, Thanh Tùng, Phan Huỳnh Điểu khi xưa từng... sáng tác cả trăm ca khúc trữ tình, không phải bài nào cũng là một mối tình cụ thể, một tình yêu sâu sắc. Nhưng trong tất cả các bài hát của họ, tình yêu như được chắp cánh.

Với họ, tình yêu không hẳn là phải sống với nhau mới là yêu, mà chỉ cần một ánh mắt, một cử chỉ, hay một dáng hình lướt qua cũng có thể tạo nên những rung cảm mảnh liệt. Điều này có thể xảy đến với người nghệ sĩ mà cũng có thể có ở những người bình thường. Từ những cảm xúc đó, người nhạc sĩ phải biết hư cấu và hình dung ra được đoạn cuối của chuyện tình.

Chứ nếu ai cũng đợi thất tình mới viết được một bài hát day dứt tha thiết thì rất khó. Một vài người trong số họ cho biết, việc lớn lên với những lời ru dân ca, hay những làn điệu quan họ, những câu chuyện cổ tích… cũng giúp họ tu dưỡng tâm hồn và ảnh hưởng nhiều đến ca khúc của họ.

Trước đây, thường mỗi khúc tình ca là cả một câu chuyện tình nên thơ lãng mạn, như trong bài "Thời hoa đỏ" là cả một cuộc tình sâu nặng kéo dài nhiều năm của hai người yêu nhau. Đến khi người con gái từ giã cõi đời, chàng trai mới thốt ra được những lời bi thương về số phận: "Trong câu thơ của em anh không có mặt…/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say..."...

Nay là những cuộc tình "bọ xít", dễ dàng và chóng vánh: "Qua bao ngày gian truân xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh, mà ngu sao làm chi để vụt bay mất tình sẽ đau"… Dần dần tình yêu trong ca khúc được thổ lộ theo kiểu đi thẳng vào vấn đề: "Có yêu thì bảo rằng yêu, không yêu thì nói một điều cho xong". Hay được thổ lộ kiểu độc thoại như trong ca khúc "Mi Ya Hee": "Alô, em à, nhớ anh không? Nhớ à"...

Người Việt xưa thường kín đáo, tế nhị, nói đến yêu chỉ đến từ "hôn" là đã mạnh bạo lắm, như bản tình ca tân nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Xuân Hồng - "Mùa xuân bên cửa sổ". Đây là lần đầu tiên đôi tình nhân hôn nhau trong ca khúc. Vậy mà giới trẻ ngày nay sẵn sàng phô bày một lối sống dễ dãi, buông thả, những cuộc tình tay ba, tay tư trong bài hát.

Như trong bài "Don't know me" (tạm dịch là "Đừng biết tôi") của ca sĩ Mai Khôi, có đoạn: "Anh đang sống với em, nhưng thật ra anh chẳng hiểu gì về em, về tình yêu của em…". Ngay trong bài "Người đàn ông tham lam" do ca sĩ Hoàng Châu thể hiện: "Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai".

Tình yêu đã mất hẳn ý nghĩa thiêng liêng, không còn một chút màu sắc lãng mạn, trong "Ngã tư tình" có đoạn: "Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa… Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao… Em yêu một lúc bốn người sao"... hay "Chỉ yêu một người thôi/ Không thể làm anh thỏa vui/ Để rồi anh phải đi tìm người khác" (Đàn ông ai cũng như ai).

Ngay cả những ca khúc thuộc hàng hot như "Xin lỗi tình yêu" của nhạc sĩ Minh Nhiên do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thể hiện cũng là lối bày tỏ nhạt nhẽo: "Xin lỗi em, ngàn lời xin lỗi em"... và người hát thì cứ gào rũ làm ra vẻ "tha thiết" và "chân thành" lắm, nhưng rồi chẳng có gì đọng lại trong lòng người nghe.

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao những bài hát như vậy vẫn được đông đảo lớp trẻ yêu thích? Có lẽ do thời đại thay đổi nên xu hướng thưởng thức có sự thay đổi, tìm đến sự thể hiện thật dễ nghe, dễ thuộc chăng? Những ca khúc hiện nay không có gì nổi bật về mặt giai điệu, nhiều bài có nhịp điệu rất giống với những ca khúc đang thịnh hành trên thế giới.

Đa số các bài hát không xuất phát từ tình cảm thật của người viết, không có gì là bức xúc là trăn trở. Nó như một ngành công nghiệp, đặt lời chỉ là một thao tác thủ công để hợp thức hóa giai điệu. Chính tác giả trẻ Lương Bằng Quang, người rất được giới trẻ chú ý với những sáng tác hiện đại đã thừa nhận: Anh thường sáng tác giai điệu trước, rồi tùy vào giai điệu thế nào mà có chủ đề và lời ca phù hợp.

Việc dễ dàng quảng bá, cộng thêm áp lực về sự nổi tiếng cũng là lý do để các tác giả trẻ hiện nay không biết cách nén cảm xúc. Họ không có thời gian để chiêm nghiệm tác phẩm của mình, tức là không tự kiểm nghiệm đứa con tinh thần của mình trước khi tung tác phẩm ra với công chúng.

Không hiểu nếu đời sống âm nhạc cứ phát triển theo chiều hiện nay thì rồi tình hình sẽ đi đến đâu?

Tương Hường
Văn nghệ Công an
This entry was posted on 1/06/2010 12:07:00 SA and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: