Author: Lorian Mr
•10/24/2009 02:30:00 CH
TTCT - Nó vốn là mèo cảnh của bà hàng xén ở góc phố. Tối nào bà cũng để nó ngủ trong một cái hộp cactông sau khi đã kéo kín các cửa như đóng lại một cái chuồng.

Ban ngày mèo ta được tự do thỏa thích mà không cần một sợi dây nào. Không có chuyện mèo đực đi rông, không cần lo chuyện xe cộ như mắc cửi dưới đường, không cần lo đám dân câu trộm để đưa mèo sang Trung Quốc. Một con mèo ngoan ngoãn, tự giác triệt để.

Đó là một con mèo lông vàng, dễ ưa, trọng lượng ngày mỗi thêm bệ vệ. Mỗi khi chúng tôi đi bộ thể dục ngang qua chỗ cây xoan góc nhà bà hàng xén, nó thường là đề tài để so sánh với con Mi Nam của nhà tôi.

Tôi tin mình sẽ không bao giờ có được một con mèo xuất sắc như con Mi Nam đã chết. Nó bắt chuột mỗi ngày, nó rất thích đem chiến công về khoe với chủ, nó hào hoa với những ả mèo quanh khu dân cư nhưng nó đã chết vì giá cóng hôm chúng tôi về quê một tuần. Thật không thể nào hiểu nổi. Có lẽ hôm ấy nó mê rình chuột quá và Hà Nội thì rét quá. Và nó chết vì tài, quá tài, nó là một tài năng vắn số.

Bỗng dưng chúng tôi vớ được con mèo vàng của bà hàng xén. Họa may, một chỗ trống của con Mi Nam sẽ được trám đầy ít nhất cũng bằng cái sự to xác của con Tảng Đá này (tôi đặt tên nó như vậy). Hôm ấy bà chủ sụt sịt không dám nhìn vào chiếc bao bố của gã thu mua, nhưng cô con gái thì liên tục bất bình vì “đến kêu cho chuột sợ mà nó còn không thèm kêu nữa là”.

Chúng tôi trờ đến, chúng tôi đã giải cứu cho nó và cho cả hai mẹ con nhà họ khỏi cảnh giằng co khẩu chiến. Đã thấy gốc xoan nhà bà hàng xén một con mèo con thay thế với sợi xích dài, đây là cái lò sản xuất mèo ngoan.

Con Tảng Đá hoảng sợ một cách bất thường với từng mét đường xa lạ. Cô con gái bà hàng xén đã phải giúp chúng tôi áp nó đi. Nhà chúng tôi có sẵn một cái hốc ghế đá ở sân vườn, chỗ ngày xưa để trữ than tổ ong thời đói kém. “Mèo bám nhà, chó bám chủ”, tạm thời chúng tôi đề phòng nó bằng một sợi xích tương xứng.

Ngày thứ nhất nó không ló mặt ra khỏi hốc ghế, không kêu không gào. Ngày thứ hai nó vẫn nằm yên trong bóng tối nhưng đã thấy đĩa thức ăn vơi. Ngày thứ ba, thứ tư ăn uống tiểu tiện bình thường nhưng cũng không hề ló mặt ra làm thân với chủ mới.

Chúng tôi tháo nút buộc để xích không làm căng nó nhưng nó vẫn không ra khỏi chỗ, thập thập thò thò. Tôi hay luồn ngón tay vào chỗ vòng xích dưới cổ để lôi nó ra với mình, nhưng nó luôn trì lại bằng tất cả sức ì chết tiệt.

Nó nhát người ư, không hiểu sao nhà cũ của nó sát mặt đường mà nó có vẻ nhát người. Nó quá già cỗi rồi ư, vậy là chúng tôi đã khuân về một “lão” mèo bị thịt. Lại tự an ủi nó chưa quen nhà, bởi nó không còn trẻ nên sự thích nghi chậm chạp, thế thôi.

Hành tung của nó gây cho chúng tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi đã được tháo hết xích xiềng, con Tảng Đá vẫn nằm an nhàn trong hốc ghế, tận hưởng cuộc sống bao cấp trong bóng tối, không cần sưởi nắng, không cần nghiêng ngó trời đất gì cả.

Một lần chúng tôi phát hiện nó đang nằm gối đầu ra cửa hốc thì phải thụt vội vào khi có một con chuột chạy qua. Trời đất quỷ thần ơi! Thật không còn hiểu nổi con Tảng Đá này. Chồng tôi phải đi bẫy chuột sống đem về đặt nguyên cái bẫy trước cửa hốc để xem phản ứng của nó ra sao. Mèo chê chuột do được nuôi đủ, có thể; nhưng mèo mà sợ chuột thì lý giải sao đây về bản năng, thú vui, sứ mệnh, lẽ sinh tồn..., thiết nghĩ đó có thể là đề tài cho một luận văn cao học được đấy.

Dù sao tôi cũng phải dọn chuồng mỗi tuần để cho con Tảng Đá đỡ phải rụng lông. Tôi thường kéo nó ra nắng và ngắm bộ mặt khó hiểu của nó. Chừng như càng nằm ì thì trán nó càng ngắn hơn, hai cơ thịt gò má vun đầy viên mãn và hai con mắt híp lại không biết bên trong nó là những ý nghĩ gì hay hoàn toàn không thiết nghĩ gì nữa cả.

Nó đã “về hưu” từ sớm và tận hưởng sự bao cấp cho đến hết đời. Khi chúng tôi nhận ra điều đó thì nó thật sự là tảng đá trong cuộc sống của chúng tôi, và nó cứ khiến chúng tôi phải luận bàn miết về những lẽ khác có khi không liên quan gì đến sự tồn tại của nó.

DẠ NGÂN
http://www.tuoitre.com.vn
This entry was posted on 10/24/2009 02:30:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: