Author: Lorian Mr
•8/24/2009 11:50:00 CH
Cũng có lần mình muốn về quê, thế nhưng công việc cứ cái này tiếp cái kia. Bất chợt ba gọi về, đi dự đám cưới và khám bệnh. Nhanh chóng cuốn gói về.

Có lẽ lần này về bất chợt, nên lòng không chút cảm xúc, không buồn không vui. 8h15 tối ngày 15-8 về tới Đà Nẵng. Mới về tới nhà đã thấy cảnh tượng mình không muốn nhìn rồi, nhà cửa trang trí lại giống như cái sân khấu vậy.

Hôm sau đi ghé thăm từng nhà, chú thím. Mà hay ghê, con bé em mình quen thằng chồng nó có mấy tháng, không biết nó hiểu gì về chồng nó chưa nữa. Mình quen mấy năm còn chưa dám yêu nữa chứ nói gì mấy tháng.

Đi bộ dọc lại con đường trong xóm, ngày xưa chỉ quanh quẩn quanh con đường đó, tất cả kỷ niệm là ở đó. Giờ nhiều người đã chuyển đi, chủ mới cũng xây lại, đường không còn cụt nữa mà đã thông với con đường khác rồi. Mấy thằng cùng lứa với mình lên xe bông rồi. Mà nói gì nhà khác, nhà mình thay đổi còn nhanh hơn, mỗi năm mỗi khác, giờ thì mỗi người tự ai nấy ăn, khỏi cần đợi, bó tay. Còn giờ giới nghiêm là 8h tối, chịu nổi hông. Càng ngày càng nản không muốn về nhà.

Ngày thứ 3, không có gì, chỉ đi khám bệnh, bác sĩ thấy xương cổ tay của mình nhô lên ra, phán mình bị lòi xương hay sao ấy, không nhớ. Còn huyết áp lại thấp, sao mà sinh ra nhiều bệnh vậy trời. Đi mua cái cáp để gắn cái ổ cứng đem từ SG vào máy tính ở nhà, vào cái tiệm lớn nhất nhì thành phố, hỏi mua thì nhân viên lại bắt bẻ mình, nói đúng mới chịu bán. Đà Nẵng là thành phố hiện đại đó, nhưng với thái độ làm việc như vậy thì sẽ không bao giờ đạt tới cỡ của Sài Gòn đâu.

Ngày thứ 4, ra quán thím 2 và cô M. bán quán ăn sáng. Nhà cửa cũng rộng lắm. Mà cuối cùng 3 thằng cũng gặp được nhau, đi chơi game, mình vẫn thắng; tối chơi bida, mình cũng vẫn thắng, hehe. Tối hẹn gặp anh Th. chút xíu, rồi dẫn tới nhà cho biết chỗ.

Ngày thứ 5, khi nghe ba gọi “ra ba nói chuyện” là biết chuyện chẳng lành rồi, và đúng như dự đoán của giới chuyên môn. Nói gì thì nói, im lặng là vàng, chính sách hợp lý nhất của mình trong thời điểm hiện tại, cãi lại luận điểm của ổng cũng chẳng ích gì, vì ổng có chịu nghe cho đâu.

Ngày thứ 6, biển, lâu lắm rồi mới đi tắm biển. Biển đẹp, trong, ra xa vẫn nhìn thấy đáy. Mọi người đi tắm cũng đông lắm, và gặp mấy em cũng xinh, ha ha.

Trúng ngày sinh nhật Q. hẹn 6h chiều tại quán cà phê. Tính ra cuối cùng chỉ có Đ. và 3 thằng bọn mình tới. Thằng A. nói đúng, bạn bè giờ gặp nhau sau mà giữ kẽ quá; năn nỉ hoài không chịu đi. Mấy đứa thường ngày gặp thì không sao, chứ đứa nào lâu lâu gặp 3 thằng khùng thì không thể nào chịu nổi, nó khùng và quậy quá thể. Mình có nguy cơ bị mất chức trước sự khùng ngày càng mạnh của tụi nó.

Ngày thứ 7, đi biển khi mặt trời còn chưa lên, còn sớm nên chạy dọc bờ biển, không ngờ còn có thể chạy 3-4 km mà không sao, nhưng nếu chạy hơn nữa chắc khỏi thấy trời đất luôn. Tới trưa, theo lịch hẹn xuống quán của Ng. ăn, từ ngày về tới giờ bị gọi hoài mới có thời gian xuống quán. Mình với thằng A. đánh bài, mình đánh thắng nên nó trả tiền ăn chíp chíp. Mà lần đầu tiên nghe cái tên này, nó cũng 2 vỏ như nghêu nhưng nhỏ hơn và rẻ hơn. Thằng A. bảo Đà Nẵng nổi tiếng bởi 2 thứ: ốc hút và chíp chíp.

Tối như lời hứa, dẫn 2 đứa nhỏ đi BigC ăn gà rán. Nó cách mình có mấy tuổi mà thế giới của nó khác xa với mình trước đây quá, lúc trước có bao giờ được như thế. Lại còn đòi đi xem phim nữa, ở cái tuổi của nó thì mình lông bông quanh quẩn cái xóm này. Hẹn nó ngày sau chở đi, còn mình về để kịp hẹn đi cà phê với 2 thằng kia. Tới quán 123 Nguyễn Chí Thanh xưa uống cà phê. Chỉ để nhớ lại, gợi lại kỷ niệm trước. Cái cảm giác thật yên bình, không bao giờ lẫn lộn và cũng không có được khi đi với người khác. Có thế nói chuyện vui vẻ, cũng có thể 3 đứa theo 3 suy nghĩ khác nhau của riêng mình. Giống nhau là đó, dù bị chỉ trích rất nhiều, nhưng vẫn còn giữ 1 tính, là thích ai đó thì nói rất nhiều, còn không thích thì im như thóc, không có thể có chuyện ghét người này mà ngoài mặt cứ nói cười. Thế nên có quảng giao được đâu.

Ngày thứ 8, ngày cuối cùng ở Đà Nẵng. Xem lại, những gì mình đem về chưa làm được cái gì đáng kể cả. Vậy mà cũng bày đặt đem cả cái ổ cứng đi về. Trên đường đi bộ, ngang qua nhà ông Q., ghé vào ngồi thăm nói chuyện chút, ổng sống cùng thời với ông ngoại, ổng cũng bị tai biến như ông ngoại, ngồi nghe ổng nói chuyện chợt nhớ tới ông ngoại. Tự nhiên muốn khóc quá! Ngồi nhìn Đà Nẵng, một thành phố phát triển bậc nhất nước, nhưng cái tình làng nghĩa xóm không mất đi nhanh bằng tốc độ phát triển đô thị. Nên hàng xóm với nhau vẫn ngày ngày qua lại nhà nhau vui chơi. Hơn hẳn Sài Gòn!

Đi mua vé máy bay, mới thấy cái lạ đời, lúc về giá vé là 560 thêm phí và thuế là 156. Lúc đi là 670 thêm phí và thuế là 60, vậy tính ra canh me mua vé giá rẻ cũng thừa.

Buổi chiều không kịp làm cái gì vì phải chở 2 đứa nhỏ đi xem phim, hứa mà không giữ lời thì kỳ lắm. Mình xét thấy coi phim ở đây thấy khác với Sài Gòn ở vài chỗ: mắc, 50.000 vé người lớn, 40.000 vé trẻ em không cho đem bánh nước vào vì phải mua đồ ăn của rạp, thêm 50.000 nữa. Mà ít người lắm, nên được ngồi tự do, không cần theo số gì cả, chỉ có 3 cặp nam nữ và 3 anh em mình thôi, nên nằm coi cũng được nữa.

Buổi cơm cuối cùng, nghe chuyện học hành của mấy đứa, con lớn năm nay lớp 9, tính cho nó đi học thêm 1 môn nhưng tới 2 cô, 1 cô để học, 1 cô là cô giáo chủ nhiệm vì sợ bị đì. Mình nghe vừa bực vừa nản. Con bé út thì mới lớp 6 thôi, cấp 1 thì toàn là học sinh xuất sắc. Nhưng mình chẳng bao giờ tin tưởng là tụi nó xứng đáng với những danh hiệu đó. Không phải là tụi nó học dở, mà là sự đánh giá mình nghĩ không khách quan.

Nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Ra máy bay với tâm trạng buồn, lúc nào cũng vậy, nhưng lần này buồn hơn, nhiều thứ đan xen nhau quá. Lúc lên máy bay cũng không hên gì. Có nhỏ xinh quá trời quá đất ngồi trước mình, vậy mà mấy ông Jestar sao không xếp mình ngồi gần nhỉ, toàn ngồi với mấy ngài không.

Tổng kết chuyến đi thì mình đã làm cho tình hình càng ngày càng tệ hơn. Nhưng thà như vậy còn hơn để tết mới xảy ra thì không hay.
This entry was posted on 8/24/2009 11:50:00 CH and is filed under , , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: