Author: Lorian Mr
•3/23/2009 12:46:00 SA
Bên cạnh việc bùng phát các tin nhắn lừa trên điện thoại di động (ĐTDĐ), những công dân thời internet còn thường xuyên bị tấn công bởi các tin nhắn nhảm nhí, đùa cợt thiếu trách nhiệm qua Yahoo Messenger (YM).

“Xóa tin nhắn này tôi thề bạn không có trái tim. Bạn T.Tuấn Anh ĐH... TP.HCM đang trong tình trạng nguy kịch với bệnh teo thùy não. Giờ đây máu không thể bơm được lên não. Hiện hoàn cảnh TA rất khó khăn. Hãy gửi thông điệp này tới cả list. Mỗi tin nhắn của bạn, Yahoo sẽ ủng hộ 500 vnđ cho TA”. Trên đây là một trong những dạng spam rất vô lý, lừa đảo xuất hiện nhan nhản trên dịch vụ chat miễn phí của Yahoo (Yahoo Messenger). Tuy nhiên, sau khi nhận được các tin nhắn này, rất nhiều người vẫn gửi đi vì... lòng trắc ẩn.

Người viết bài đã thử gọi tới ba số điện thoại được nhắc tới trong các spam kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân. Tuy nhiên, 2 số điện thoại đầu tiên không có thật. Đến số thứ 3 thì người viết bài này đã bị chủ thuê bao mắng té tát vì người thân họ không làm sao cả.

Cấu trúc thông thường của một tin spam kiểu này là: “Xin các bạn hãy đọc hết tin này! Nếu ko thì bạn ko phải là con người: Tại Bệnh viện X có 1 bé/em/bạn trai/gái tên Y đang mắc bệnh Z (hoặc đang gặp nạn). Bạn hãy gửi tin nhắn này đi cho cả list để người đó nhận được n đồng từ VNPT/FPT/Yahoo!/Microsoft (tên một tập đoàn truyền thông lớn)”.

Điều rất vô lý là giả sử những tin nhắn này là đúng, làm sao để các công ty công nghệ thông tin lớn (công ty tài trợ) có đủ thời gian, công sức đọc tất cả tin nhắn trên Yahoo và lọc ra đâu là những tin nhắn “từ thiện”? Hơn nữa, không ai có quyền kiểm soát nội dung tin nhắn trên Yahoo Messenger, ngay cả với Yahoo Việt Nam (cơ quan cung cấp dịch vụ này). Nói một cách khác, nếu các tập đoàn lớn muốn làm từ thiện, họ sẽ tổ chức hẳn chương trình, có thông báo ít nhất trên trang web của mình và kêu gọi qua báo chí, chứ không bao giờ sử dụng cách thức nêu ở trên.

Nực cười hơn còn có những spam YM dạng: “Vì tôi là người rất yêu bố/mẹ/ông/bà nên gửi tin này. Nếu bạn ko gửi tin nhắn này cho 20 người khác thì bố/mẹ/ông/bà của bạn sẽ chết trong vòng 2 ngày nữa”. Đọc qua cũng thấy sự nhảm nhí, nhưng nhiều người vẫn gửi tiếp đi cho bạn bè. Kết quả là, mỗi lần mở Yahoo chat, rất nhiều người lại nhận được những tin spam từ chính những người bạn thân thiết của mình. Lý giải cho việc gửi tiếp các tin nhắn tới những người bạn khác, Nguyễn Thu (lớp Luật kinh tế, ĐH Quốc gia) cho biết: “Lúc ấy mình tin luôn và nghĩ làm việc này cũng chẳng mất công là bao. Đọc câu “tôi thề bạn không có trái tim/bạn không là con người” làm mình không thể kìm được”.

Không gây thiệt hại về kinh tế giống tin nhắn rác qua ĐTDĐ nhưng kiểu spam này lại gây lãng phí thời gian và làm tốc độ truy cập mạng chậm hơn. Bên cạnh các tin nhắn đùa kể trên còn có cả những tin nhắn bôi nhọ rất tai hại mà nội dung của nó lại dễ gây ấn tượng mạnh với người đọc. “Hôm nay tới quán ăn trên đường H., bẩn kinh người, mình nhìn thấy con bọ trong bát phở mà ghê rợn. Gửi để cảnh báo cho mọi người” là một trong những tin nhắn kiểu bôi nhọ từ YM mà rất nhiều người thường nhận được. Vì thế, vào thời điểm hiện tại, mỗi khi nhận được các tin nhắn qua YM không rõ nguồn gốc, người nhận cần cảnh giác để tránh những phiền phức không đáng có.

Thanh Thanh Lan
ThanhnienOnline
This entry was posted on 3/23/2009 12:46:00 SA and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: