Author: Lorian Mr
•12/18/2008 01:51:00 CH
TTO - Theo dữ liệu mới nhất do vệ tinh của NASA cung cấp, từ năm 2003 đến nay đã có 2.000 tỉ tấn băng tại Greenland, Nam Cực và Alaska bị tan chảy, làm mực nước biển dâng lên khoảng 5cm. Đây là dấu hiệu mới nhất khẳng định hiện tượng Trái đất ấm dần lên.



Trong số băng tan này, hơn phân nửa đang xảy ra tại Greenland và tốc độ tan băng tại đây đang diễn ra nhanh dần lên. Tuy nhiên không phải không có tín hiệu đáng mừng. Dù chưa có những thống kê cuối cùng của năm 2008 nhưng các nhà khoa học tin rằng tình trạng băng tan trong năm 2008 sẽ không nghiêm trọng như trong năm 2007.

Đối với Alaska tình hình có vẻ khả quan hơn. Nếu như biểu đồ tan băng trong năm 2005 theo đường dốc thẳng đứng thì trong năm 2008, lượng băng tại khu vực này đã tăng lên chút đỉnh nhờ vào các trận bão tuyết bồi đắp. Từ năm 2003 đến nay, Alaska đã mất đi 400 tỉ tấn băng.

Khác với việc tan băng trên biển, hiện tượng tan băng trên các lục địa (gồm Greenland, Nam Cực và Alaska) không làm dâng mực nước biển một cách bạo liệt. Trong những năm 1990, dù băng tại Greenland có tan nhưng không gây ra hiện tượng dâng cao nước biển. Còn trong những năm đầu thế kỷ 21, dù bị tan băng rất nhiều nhưng Greenland chỉ làm mực nước biển tăng thêm 0,5mm mỗi năm.

Trong khi đó tình hình tại Bắc Cực (băng trên biển) có vẻ tồi tệ hơn. Vào mùa đông, khu vực Bắc Cực ở gần Alaska có nhiệt độ cao hơn năm ngoái 9 - 10 độ, một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là hiệu ứng khuếch đại. Hiện tượng này cũng làm cho nhiệt độ mùa thu ở khu vực nóng hơn 6 - 10 độ so với thời điểm những năm 1980.

Hiệu ứng khuếch đại được các nhà khoa học giải thích rằng: một khi có một số băng tan, lượng nước biển sẽ tăng lên và do vậy trong mùa hè nó hấp thụ nhiều nhiệt từ Mặt trời hơn. Ngoài ra do băng đã tan bớt nên khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời của khối băng yếu đi do đó các khối băng cũng hấp thụ thêm nhiệt lượng. Và vào mùa đông, nhiệt lượng này sẽ tỏa ra, làm cho nhiệt độ chung tăng lên.

Một nghiên cứu khác cũng cho biết việc tan băng sẽ kèm theo việc thải ra khí methane, một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu cho thấy băng tan sẽ làm nước biển ấm lên và đến phiên nước biển sẽ làm ấm tầng băng vĩnh cửu ở gần Alaska và khi lớp băng vĩnh cửu này tan sẽ giải phóng khí methane.

Trong một nghiên cứu song song của giáo sư Igor Semiletov thuộc ĐH Alaska, lượng khí methane có ở đáy hồ và biển tại khu vực biển đông Siberia và biển Laptev đang được giải phóng với tốc độ nhanh gấp 10 lần vào những năm 1980. Ông Semiletov khẳng định một lượng lớn khí methane được thải ra sẽ làm cho hiện tượng Trái đất ấm dần lên trở nên nhanh hơn.

TuoitreOnline
This entry was posted on 12/18/2008 01:51:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: