Author: Lorian Mr
•12/05/2008 11:07:00 CH
TT - Nhiều thanh thiếu niên hiện nay đang có một thú vui quái dị: bỏ keo dán gỗ, dán sắt vào bao nilông rồi đưa lên mũi hít lấy hít để cái mùi hôi nồng ấy. Họ không biết chất có mùi ấy cực độc và cũng gây nghiện...

Hàng trăm thanh thiếu niên ở TP.HCM đang hằng ngày rủ nhau hít các loại keo dán thông thường. Keo có bán ở hầu hết tiệm tạp hóa. Điều đáng sợ là các loại keo này đang tàn phá sức khỏe và có thể gây chết người.

Sáng 2-12, tại một tiệm Internet trên đường Huỳnh Văn Chính (P.Phú Trung, Q.Tân Phú), chúng tôi thấy năm, sáu thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ ngồi, nằm ngổn ngang, liên tục đưa bịch nilông lên mặt, miệng thổi, mũi hít một thứ chất lỏng màu vàng nhạt được lấy ra từ các loại keo dán. Mắt ai nấy như người đang say thuốc, lơ mơ.

Bên ngoài tiệm Internet, hàng chục ống keo các loại lớn nhỏ vứt la liệt. Ngay trên hộp keo mà một số thanh thiếu niên hít có biểu tượng đầu lâu xương chéo, ghi rõ “cấm ngửi” nhưng có lẽ cảm giác “phê” - như một người hít thừa nhận với chúng tôi - đã cuốn họ vào việc hít các loại keo này.

Khi được hỏi, T., 15 tuổi, dáng người gầy gò, đôi mắt chậm chạp, đờ đẫn như buồn ngủ, rụt rè nói: “Tụi em hít keo, không phải ma túy đâu”. Th. “nhóc”, cô gái trong nhóm tỏ ra là bậc đàn chị, chêm vào: “Hít keo khỏi nhai kẹo Big Babol, không tốn nhiều tiền, không sợ bị bắt như hít ma túy mà vẫn “phê” như thường”. T. cho biết mình và nhiều bạn khác được một đàn anh chỉ cho cách hít keo từ mấy tháng nay. Hầu hết các bạn của T., trong đó không ít các cô bé, cậu bé mới 9, 10 tuổi đều rủ nhau hít, không cần biết có hại hay không.

Còn S., người chúng tôi gặp tại quán cà phê Internet trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) có thời gian hít keo hơn một năm, kể nhóm bạn của S. hít keo có hơn 100 người. Theo S., mỗi ống keo giá 2.000đ, S. chỉ hít chưa tới 30 phút là khô, ống 6.000-7.000đ hít được hơn một giờ. Nếu mua các loại bình lớn hay hộp 15.000-17.000đ thì rẻ hơn so với mua ống nhỏ nhưng không đủ tiền.

Các chủ tiệm và nhân viên bán hàng ở nhiều tiệm tạp hóa, tiệm bán đồ điện nước tại khu vực Tân Bình, Tân Phú, cho biết rất nhiều thanh thiếu niên mua keo, mỗi lần có khi hàng chục ống và mua liên tục. Một chủ tiệm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú) nói từ năm 2006 ông đã biết nhiều thanh thiếu niên mua keo về hít và đã báo công an phường về tình trạng này.

Một phụ nữ bán hàng rong tại đường Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú) kể hằng ngày nhóm hít keo gần 10 người thường tập trung trước sân chung cư Huỳnh Văn Chính 1, mỗi người cầm một bịch nilông hít và trò chuyện, chửi nhau. Có người quan tâm ra khuyên bảo thì bị nhóm này dọa đánh.

Một cán bộ hưu trí trong khu chung cư Huỳnh Văn Chính 1 kể lại năm 2006 phát hiện các nhóm thanh thiếu niên hít keo, ông thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố, tổ dân phố cũng đã báo cáo với chính quyền địa phương, công an nhưng tới nay chưa có biện pháp gì giúp đỡ để các em hiểu rõ tác hại của việc làm này. Số thanh thiếu niên hít keo đang tăng nhanh. Năm 2006 khi ông phát hiện, báo chính quyền địa phương hiện tượng này chỉ có vài trường hợp thì nay đã có hàng chục, hàng trăm người hít. Số trẻ em hít ngày càng nhiều, nhiều học sinh bỏ cả trường lớp theo các bạn lớn tuổi hơn ngồi cả ngày trong tiệm Internet hít keo.

Một cán bộ Công an quận Tân Phú khẳng định công an quận đã nắm thông tin về các thanh thiếu niên hít keo từ lâu, đã cho kiểm tra hóa chất và biết rõ sự độc hại của các hóa chất này. Theo cán bộ này, trong keo có tiền chất ma túy có thể gây kích thích dây thần kinh nhưng không thể gọi đó là ma túy nên không xử phạt người sử dụng được. Công an quận Tân Phú đã báo cáo, đề xuất Công an TP có hướng tuyên truyền, vận động giải quyết.

Gây nghiện

Chúng tôi đã mua hai loại keo dán mà một số thanh thiếu niên đang sử dụng, tạm gọi là keo A và keo B, gửi đến Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ sắc ký Hải Đăng (gọi tắt là Công ty Hải Đăng) đề nghị phân tích trong các loại keo này có những chất gì.

Công ty Hải Đăng trả lời Tuổi Trẻ chiều 3-12 như sau: trong keo A có 28 loại dung môi hữu cơ khác nhau, trong đó có ba loại rất độc cho sức khỏe là methylene chloride (hàm lượng 12,95%), ethyl acetate (6,20%) và toluene (77,11%); keo B có 25 loại dung môi hữu cơ, trong đó có ba loại kể trên và cyclohexane (2,99%). Ngoài ra, trong hai loại keo này còn có nhiều loại hóa chất độc hại khác nhưng ở hàm lượng thấp hơn các loại trên như xylene, benzene, butyl acetate, ethyl cyclopentane...

Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Công ty Hải Đăng - các dung môi hữu cơ nói trên đều là những dung môi rất thông dụng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. Các loại dung môi methylene chloride, ethyl acetate, toluene, cyclohexane đều có tác dụng gây cảm giác lâng lâng, đê mê (kiểu ma túy). Cũng có thể hỗn hợp các dung môi sẽ làm tăng thêm cảm giác trên, tuy nhiên chưa có tài liệu cụ thể nào nói về tác dụng của hỗn hợp dung môi.

Thoái hóa não, ung thư

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y dược TP.HCM - cho biết các dung môi hữu cơ là loại dung môi bay hơi có thể gây nghiện nếu thường xuyên hít, ngửi các chất này. Tại VN trước đây chưa được ghi nhận lạm dụng dung môi hữu cơ, nhưng ở nhiều nước - nhất là các nước châu Mỹ Latin - đã có hiện tượng thiếu niên nghiện dung môi hữu cơ bằng cách hít nó.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức, khi hít các chất này người hít có cảm giác sảng khóai, ảo giác, thậm chí lú lẫn nếu hít quá nhiều mà người nghiện thường gọi là “phê”. Đặc biệt là khi hít toluene nhiều còn gây cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ; nếu hít ở nồng độ cao có thể bị bất tỉnh, thậm chí tử vong.

Do là hóa chất công nghiệp nên các loại dung môi hữu cơ này cũng gây tác hại, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu hít thời gian ngắn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây trầm cảm, ức chế hô hấp, tổn hại phổi, hại gan, thận, gây suy tủy xương, rối loạn nhịp tim, thoái hóa não, ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên. Nếu hít thường xuyên, lâu dài sẽ bị bệnh ung thư.

Cũng như các chất gây nghiện khác, khi đã nghiện dung môi bay hơi, người nghiện sẽ luôn nhớ cảm giác do nó mang lại và phải tiếp tục sử dụng nó. Đến một lúc nào đó sử dụng liều cũ không còn “đã”, họ phải sử dụng liều cao hơn để đạt được cảm giác mong muốn. Dần dần họ trở thành “nô lệ” của chất gây nghiện.

PHẠM MINH ĐỨC - LÊ THANH HÀ
TuoitreOnline
This entry was posted on 12/05/2008 11:07:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

3 Lời bình:

On lúc 23:16 5 tháng 12, 2008 , Nặc danh nói...

Lứa trẻ bây giờ thích nghĩ ra nhiều trò chơi tàn phá thân thể ghê.

 
On lúc 18:43 7 tháng 12, 2008 , Unknown nói...

chòi oi, ghê thiệt, hùi đó tui lâu lâu cũng thấy thích thích mấy cái mùi xăng, mùi keo,...mà hem hiểu vì sao, nhưng mà tui biết là mấy cái đó độc lắm dù thích thiệt nhưng chưa bao giờ dám ngửi (huống chi hít. Càng ngày thấy thế hệ sau càng làm những chuyện sa đọa

 
On lúc 23:10 7 tháng 12, 2008 , Nặc danh nói...

Nhớ hồi xưa, có lần chui vào trong tủ nhỏ để quét sơn, quét hết xong ra là muốn ói luôn, bị nhiễm mùi sơn ấy mà, vậy mà tụi nó còn có thể hít ào ào vậy.