Author: Lorian Mr
•11/17/2008 11:16:00 CH
TTO- Bạn đã cùng con “lớn lên”, hay chỉ là người đứng ngoài lề? Một bà mẹ đã trả lời câu hỏi này bằng bài viết chứa đầy sự hối hận...

Tôi là bà mẹ bận rộn. Một bà mẹ từng ước giá một ngày có... 30 giờ mới tạm đủ để giải quyết mọi việc vừa ở cơ quan, vừa ở nhà. Công việc cơ quan không xong, tôi tha tài liệu về nhà, rồi bò ra giường làm đến tận 11 giờ đêm. Con gái 6 tuổi nhờ cô giúp việc và kênh Playhouse Disney chăn giùm. Thỉnh thoảng con vòi mẹ thì mẹ vỗ mông, xoa đầu, làm trò với con dăm ba phút rồi lại cắm mặt vào sổ sách. Ông chồng tôi thì ôm rịt cái laptop, cũng hụ hợ phong trào với con những lúc con cần...

Con hay... Obama?

Một sáng thứ bảy bị bệnh, miễn cưỡng nằm nhà tôi mới thấy những luận điểm yêu thương con của mình từ trước đến nay lung lay tận gốc. Tôi vẫn thường nói với đồng nghiệp sao thèm có thời gian để chơi với con thế, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối vì công việc...

Thế mà sáng ấy, chẳng vướng xích xiềng gì ở cơ quan, ngồi chơi với con nhưng thấy khó khăn làm sao, cứ nhấp nhổm lo ra; và quả thật có một cuộc chiến gay go diễn ra trong lòng mình, giữa chơi với con và cái khao khát được chộp quyển sách ưa thích, nằm cong tôm trên giường, đọc một lèo, hay vào net phóng tay lướt web.

Quyển Hi vọng táo bạo của Obama mới mua nằm trên bàn, quyến rũ lạ lùng. Tôi đã cầm nó lên, sục sạo mấy trang nhưng bàn tay nhỏ xíu của con đã kéo tay mẹ, ấn vào đó hộp đất sét, nài nỉ: “Mẹ ơi, nặn với con đi!”. Đành để quyển sách lại mà thấy lòng mình tiếc ngẩn tiếc ngơ...

Một bà mẹ chân chính có được phép tiếc nuối khi từ bỏ thú vui để chơi với con không? Giữa cảm giác tiếc nuối ấy và sự áy náy (nếu chọn thú vui mà không chơi với con), cái nào sẽ làm bà mẹ như tôi khó chịu hơn? Với những gì tôi đã trải nghiệm, nếu phải chọn sự tiếc nuối quả là một cảm giác khó chịu.

Không dưới ba lần tôi bỏ bộ phim, cuốn sách yêu thích để chơi với con và cảm rất rõ là cái sự tiếc nuối nó “đeo” mình rất dai, chơi với con mà hồn để đâu đâu, trẻ nhận ra ngay mẹ không có lòng... Còn sự áy náy trôi chớp mắt theo sự hứng khởi bị cuốn vào mạch phim, mạch sách...

Ít ra sáng hôm ấy tôi đã nặn được ba quả măng cụt, hai củ cà rốt tương đối có hồn; ông Obama đã không thể giành “mama” của con tôi, và tôi đã không là bà mẹ xấu. Có lẽ nhờ lương tâm tôi đã ít nhiều bị đánh động bởi một bộ phim trên kênh Disney đã xem cách đó ít ngày. Phim kể về cô bảo mẫu tuyệt vời làm thuê cho ông bố hư tên là Mr Banks.

Có bao nhiêu Mrs Banks?

Mr Banks là quan chức ngân hàng tham công tiếc việc. Vào tay ông mọi thứ đều sinh sôi thành tiền, thời gian là vàng bạc. Với hai con, ông cực kỳ nguyên tắc. Vợ chồng ông thuê cô Mary Poppins, một bảo mẫu kỳ lạ. Cô Mary này đã mở ra một thế giới mới với hai đứa trẻ nhà Banks, một thế giới hạnh phúc không đong đếm bằng tiền mà bằng niềm vui và tình yêu thương. Cuối cùng Mr Banks nhờ cô Mary mà tỉnh ngộ, khi nhận ra điều quan trọng nhất đời ông không phải kiếm tiền mà làm cho các con hạnh phúc.

Bộ phim Mary Poppins ấy tôi xem cùng con với không ít cắn rứt trong lòng vì thấy mình có nhiều điểm giống ông Banks quá. Ông bố ấy đã thốt lên một câu cay đắng thế này: “Tôi mải lo sự nghiệp đến nỗi không có thời gian lau nước mắt cho con và nhìn con lớn lên”. Ngẫm lại, tôi cũng tệ gần như thế. Ông Banks dồn hết thời gian, sức lực cho ngân hàng, bỏ con cho cô bảo mẫu. Tôi cũng vứt con cho cô “Mary” ở nhà, đi suốt. Con bé đeo dính cô giúp việc giống như con ông Banks đeo dính cô Poppins. Một hôm về nhà bỗng nghe con vừa nghêu ngao một bài đồng dao của trẻ nhỏ miền Quảng Ngãi xa xôi: “... cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà xới bếp...”, vừa vui vẻ chơi trò nấu ăn với cô giúp việc...

Tôi ngắm con chơi và xót xa nhận ra đống lá khô rụng trước sân nhà và nhúm dây thun đủ màu sắc dường như làm con thích thú hơn cả mấy nàng Barbie tôi mua về hôm trước. Con lấy lá làm nồi, làm chảo, vài cọng thun làm đồ ăn, cứ thế nó cùng cô giúp việc tưởng tượng cả một quán ăn sầm uất với đủ thứ món... Đúng là đôi khi chỉ cần hai xu và một tấm lòng yêu thương chân thành cũng làm bọn trẻ hạnh phúc. Ông bố Banks sau khi thức tỉnh (vì bị đuổi việc!) đã dùng hai xu mua giấy, dây và hồ để làm mấy chiếc diều cho con - điều mà khi còn ở ngân hàng ông không bao giờ làm được...

Tôi cũng là một Mrs Banks. Có bao nhiêu Mrs Banks giống tôi? Tôi nhớ cái mặc cảm với con trong những lần về nhà tối mịt đã được ve vuốt bằng mấy món quà mua vội trên đường: cái bánh kem, chiếc bóng bay... Đấy cũng là mặc cảm của nhiều bà mẹ trẻ, hiện đại và bận rộn như tôi. Nhưng con chỉ cần mẹ, cần ba bên chúng thật lâu... Còn mẹ, ba lại trao biết bao cơ hội để chơi với con, để nhìn ngắm con lớn lên từng ngày vào tay cô giúp việc xa lạ nào đó...

Một ngày... bỗng dưng muốn khóc

Chúng ta đã đánh mất bao nhiêu thời gian quý giá bên con? Có ai tính được không? Nhưng chúng ta có thể tính rất rõ ràng mình kiếm được bao nhiêu tiền, tốn bao nhiêu thời gian cho số tiền đó, sự thăng tiến đó.

Hãy dành thời gian cho con. Sẽ đến lúc bạn thấy không có gì quan trọng hơn những phút giây bên con, chơi cùng con, ngắm chúng cười, lau nước mắt cho chúng...Vì con chúng ta sẽ lớn lên rất nhanh...

Đừng để một ngày nào đó ta ngồi nhìn con thật lâu, thật sâu rồi chợt nhận ra con ta đã lớn thật rồi. Ta bỗng luyến tiếc khi lục lại trong ký ức, không thể nào nhớ được từng có kỷ niệm nào sâu sắc với con, con từng nói những câu ngộ nghĩnh gì với ta, con và ta đã vui đùa bên nhau như thế nào... Ký ức ta trống rỗng, vì bao nhiêu thời gian ta đã cho trôi qua cùng công việc, tiền bạc, thú vui... Thời gian chẳng đợi ta đâu, mà tuổi thơ của con thì như cát lọt qua sàng, nhanh lắm...

C.MINH
Tuoitreonline
This entry was posted on 11/17/2008 11:16:00 CH and is filed under , . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

1 Lời bình:

On lúc 01:23 18 tháng 11, 2008 , Nặc danh nói...

Bệnh này nước ngoài bị nhiều rồi. Cha mẹ chỉ quan tâm đến niềm vui, sở thích của bản thân, bỏ mặc con.
Lây lan sang mình rồi nhỉ?