Author: Lorian Mr
•1/21/2008 05:09:00 CH
Thức khuya, ngủ ngày là một chứng bệnh rất phổ biến ở trẻ mới lớn. Khi bước sang độ tuổi này, trẻ thường không còn giữ được thói quen lên giường lúc 9 - 10 giờ tối và tỉnh dậy vào lúc mặt trời mọc. Điều đó nói chung dễ khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết để bạn có thể giúp trẻ khắc phục tình trạng này.

Trước hết, bạn cần hiểu rằng việc con trẻ mắc chứng bệnh này là hết sức tự nhiên. Sau 16 tuổi, trẻ thường khó có thể đi ngủ vào lúc 10 giờ, thậm chí là 11 giờ. Sự thay đổi đó là do một loại hormones giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể người gây ra. Ban đêm, cơ thể sẽ tự sản xuất ra một loại melatonin giúp xác định giờ ngủ cũng như giờ thức tỉnh cho con người. Từ 16 tuổi trở lên, cơ thể sẽ mất thêm khoảng 30 phút để sản xuất ra chất melatonin đó. Vì vậy, trẻ mới lớn bao giờ cũng thấy khó ngủ hơn vào mỗi tối, thường là cho tới tận nửa đêm...

Song, thật không may khi sự thay đổi này lại diễn ra vào đúng thời điểm nhu cầu về giấc ngủ ở trẻ lại tăng. Thông thường, trẻ mới lớn cần tới 8 tiếng rưỡi hoặc hơn 9 tiếng cho giấc ngủ mỗi đêm. Khó ngủ hơn vào buổi tối đồng thời lại luôn phải dậy sớm cho kịp giờ đến trường (thường là trước 7 giờ sáng), trẻ sẽ thường xuyên bị thiếu ngủ và điều đó chắc chắn sẽ để lại rất nhiều tác hại tới sức khoẻ của các em. Không chỉ có vậy, với không ít trẻ, các hoạt động ngoại khoá cùng nhiều công việc lặt vặt ngoài trường học cũng sẽ khiến chứng bệnh này thêm trầm trọng. Các bài tập về nhà, hoạt động thể thao, văn hoá cùng các hoạt động xã hội khác trở nên quan trọng hơn và chiếm nhiều thời gian dành cho giấc ngủ của các em hơn.

Tác hại của việc thiếu ngủ

- Năng lực học tập bị sút giảm. Trung bình, cứ 10 đứa trẻ mới lớn lại có một em đi học muộn ít nhất là vài ngày trong một tháng vì ngủ quên hoặc quá mệt mỏi. Tất cả các em này đều gặp phải vấn đề về sự tập trung chú ý trong việc học tập. Kết quả là thành tích học tập của các em bao giờ cũng kém hơn so với các bạn khác. Các cuộc khảo sát cũng đã cho thấy: các em có học lực khá, giỏi thường ngủ nhiều hơn các em có học lực trung bình, yếu, kém khoảng 25 phút mỗi đêm.

- Tâm tính cũng bị ảnh hưởng. Sự ủ rũ hoặc dễ nổi cáu là những trạng thái phổ biến ở trẻ thiếu ngủ. Sự thực, trẻ sẽ rất khó có thể kiểm soát cảm xúc của mình khi chúng bị mệt mỏi bởi không được ngủ đủ giấc. Ngoài ra, những cảm giác mệt mỏi còn có thể dẫn tới sự bốc đồng và kém tập trung không chỉ ở trường học mà ngay cả trong sinh hoạt thường ngày ở trẻ.

- Cản trở sự phối hợp vận động. Một điều cần cảnh báo các vị phụ huynh là ở chỗ, tình trạng thiếu ngủ ở trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông của chúng. Nếu thiếu ngủ, phản ứng của trẻ sẽ bị chậm lại và như vậy sẽ rất dễ dẫn tới các vụ tai nạn đáng tiếc.

- Tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích. Khi quá mệt mỏi, rất có thể trẻ sẽ tìm tới các chất kích thích như cà phê hay thuốc lá để giúp mình đối phó với cảm giác buồn ngủ...

Dấu hiệu nhận biết chứng bệnh

Khi con bạn bị thiếu ngủ, rất có thể chúng sẽ có những biểu hiện như: tỏ ra miễn cưỡng vì phải rời khỏi giường vào mỗi sáng, dễ dàng ngủ gục vào những thời điểm yên tĩnh trong ngày, ngủ muộn hơn vào những ngày cuối tuần hoặc hay tỏ ra cáu kỉnh hơn. Để đối phó, bạn có thể cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ những trẻ thực sự mắc chứng rối loạn giấc ngủ mới cần tới những biện pháp mạnh. Bạn cần đưa con đi khám khi trẻ có những biểu hiện sau:

- Có những biểu hiện không bình thường cả về hành vi lẫn trạng thái tâm lý.

- Hay tỏ ra lơ đễnh.

- Dễ bị ngủ gật khi xem TV, đọc sách báo... thậm chí là cả khi đang chú ý nghe giảng.

- Khó ngủ và ngủ không sâu.

Các dạng thường gặp của bệnh

- Hội chứng 1: Với dạng này, trẻ sẽ cảm thấy rất khó ngủ cho tới tận 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Chỉ đến khi gần giờ dậy, trẻ mới bước vào giai đoạn ngủ sâu và rất khó để tỉnh giấc. Điều này là do đồng hồ sinh học của trẻ đã bị chậm lại, dù bạn có bắt trẻ lên giường đi ngủ từ rất sớm cũng không thể giải quyết được vấn đề.

- Hội chứng 2: Chứng ngừng thở tạm thời khi ngủ cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu ngủ, thường gặp nhất ở người béo phì.

Đối với trẻ mới lớn, bệnh viêm amiđan, bệnh VA hay những sự bất thường khác trên cơ mặt đều có thể liên quan tới hội chứng này. Khi gặp khó khăn về đường hô hấp, trẻ sẽ khó ngủ sâu và liên tục bị tỉnh giấc hàng đêm. Ngáy to, thở nặng nhọc, ngủ lơ mơ suốt ngày chính là những dấu hiệu để nhận biết trẻ đã bị mắc bệnh.

- Chứng ngủ rũ: Khi bị mắc chứng ngủ rũ, trẻ sẽ rất dễ bị chìm vào giấc ngủ lơ mơ suốt ngày, bất kể lượng thời gian trẻ đã ngủ trong đêm trước. Mặc dù vẫn chưa có phương thuốc chữa trị hữu hiệu nhưng việc dùng thuốc và tập thói quen đi ngủ đúng giờ cũng sẽ giúp hạn chế triệu chứng bệnh phần nào.

- Chứng mất ngủ: Khi gặp phải chứng bệnh này, người bệnh sẽ cảm thấy khó ngủ suốt ngày, luôn tỏ ra rất dễ bị kích thích, trở nên luôn nóng nảy và cáu kỉnh. Stress, sự lo âu, việc lạm dụng thuốc... đều có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng mất ngủ.

Các bước khắc phục

Nói chung, các bậc phụ huynh có thể giúp đỡ con cái mình khắc phục tình trạng thiếu ngủ ở mức độ nhẹ bằng cách giúp chúng điều chỉnh lịch sinh hoạt cũng như kiểm soát những tác nhân gây trở ngại cho giấc ngủ.

Chỉ xin nhắc bạn một điều rằng đừng nên áp đặt quan điểm của bố mẹ đối với trẻ mới lớn. Thay vào đó, bạn hãy thử đưa ra những gợi ý và cùng con thực hiện một kết hoạch lớn vì... giấc ngủ cho cả nhà, bạn sẽ thấy là việc giúp con hết thức khuya hay ngủ ngày không đến nỗi quá khó như bạn tưởng.

- Cùng thảo luận với con cái về khoảng thời gian thuận tiện nhất để đi ngủ và tỉnh dậy vào ngày hôm sau. Điều quan trọng là cần giúp con duy trì được giấc ngủ đúng giờ, đủ giấc vào mỗi đêm và đừng quên cùng chúng thực hiện kế hoạch ấy.

- Xác định khoảng thời gian cho những hoạt động ngoại khoá cần thiết đối với trẻ. Khi trẻ quá bận rộn với các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ... chúng sẽ không còn đủ thời gian để ngủ. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích, gợi ý trẻ chỉ chọn một hoặc hai hoạt động ngoại khoá cần thiết trong tuần. Ngoài ra, bạn cũng cần nhắc trẻ ngừng tập thể thao hoặc tham gia vào các trò chơi vận động trước giờ ngủ ít nhất là 6 tiếng.

- Tạo bầu không khí thư giãn nhẹ nhàng vào buổi tối. Bạn cần giúp trẻ đảm bảo có được 1 giờ để thư giãn tinh thần trước lúc lên giường. Lúc này, bạn nên tìm cách hạn chế các loại âm thanh tác động và vặn nhỏ đèn phòng. Bạn cũng đừng nên cho phép trẻ xem TV để ru ngủ vì như vậy sẽ khiến chúng dễ bị thức giấc giữa đêm.

- Duy trì lịch sinh hoạt nhất quán. Bạn nên nhắc nhở trẻ đi ngủ và tỉnh dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Trẻ có thể ngủ thêm 1 hoặc 2 giờ vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng không nên để trẻ ngủ tới trưa vào các ngày thứ 7 hoặc CN. Điều đó chắc chắn sẽ khiến chúng khó dậy hơn vào ngày thứ 2 tuần tiếp theo.

- Kiểm soát bữa ăn của trẻ. Các bữa ăn thất thường không chỉ gây trở ngại cho sức khoẻ nói chung của trẻ mà còn khiến chúng dễ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ hơn. Trước giờ ngủ, bạn nên tránh để trẻ ăn quá no. Thay vào đó, bạn có thể cho trẻ ăn nhẹ bởi như vậy có khi lại giúp trẻ dễ ngủ hơn.
Theo TVTD
This entry was posted on 1/21/2008 05:09:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: