Author: Lorian Mr
•1/21/2008 06:54:00 CH
Hai trường phái kết hôn hoàn toàn trái ngược nhau nhưng phái nào cũng có lập luận đầy thuyết phục và thường là không ai chịu ai.

Phái lấy người mình yêu cho rằng

Được sống với người mình yêu dù vất vả cực nhọc đến mấy cũng vẫn sướng. Chỉ nguyên việc được ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, hàng ngày được thoải mái ngắm nhìn người đó thì còn gì vui sướng bằng?

Cho dù người ta không yêu mình nhưng họ vẫn chấp nhận bổn phận làm vợ (hoặc chồng), vẫn đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của mình là được. Trái lại, mình được quan tâm, săn sóc, chiều chuộng, thậm chí rửa chân cho người mình yêu cũng là niềm hạnh phúc, đâu phải ai cũng có.

Phái lấy người yêu mình lại cho rằng

Khi người ta yêu mình, chắc chắn họ sẽ hết lòng săn sóc phục vụ mình, luôn săn đón những ham muốn của mình để mà chiều chuộng. Như thế chẳng sướng một đời ư?

Biết đâu, sau một thời gian chung sống, thấy người ta quá tốt với mình, làm cho mình cảm động, mình lại cũng yêu người ta thì còn hạnh phúc nào bằng.

Xem ra, cả 2 trường phái nói trên đều có những lập luận khó bác bỏ và thoạt nghe cũng rất thực tế. Chính vì thế, nghe họ nói, nhiều bạn trẻ không biết theo bên nào.
Đa số phụ nữ, vốn là những người chân yếu tay mềm, thường thiên về trường phái lấy người yêu mình để được chiều chuộng. Trong khi đa số các chàng sức dài vai rộng lại muốn đóng vai đáng nam nhi hào hiệp để đùm bọc che chở cho người mình yêu.

Tuy nhiên, hầu hết những người đứng hẳn về một trong hai phái trên đều là những người chưa từng kết hôn bao giờ nên họ rất thiếu thực tế.

Họ có thể đúng, nếu cuộc sống chung chỉ kéo dài độ dăm bảy ngày hay cùng lắm là một vài tháng. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, có thể người ta chưa kịp nhận ra nỗi đau xé lòng của thứ tình yêu chỉ có từ một phía hay còn gọi là tình yêu đơn phương.

Có một câu danh ngôn nói: "Không yêu không phải là sống mà chỉ là tồn tại". Nếu bạn chấp nhận lấy người mình yêu, còn người ta không yêu mình, khác nào bạn chấp nhận lấy một người không sống mà chỉ đang tồn tại? Bạn hãy tưởng tượng, trong ngôi nhà của bạn có người vợ (hay chồng) lúc nào cũng chỉ tồn tại một cách vật vờ như cái xác không hồn, chẳng thiết gì đến bạn và cũng không thiết cái gì cả. Thử hỏi bạn có thể hạnh phúc với một cái xác như thế suốt đời không?

Có lẽ lúc này bạn nghĩ: Thế cũng được, còn hơn cuộc sống không có người đó. Nhưng đó là lối suy nghĩ của một kẻ đang đói. Lúc này, họ chỉ cần cơm ăn, không cần gì nữa cả. Song, cuộc sống không đơn giản như vậy đâu, đó là chưa kể con người ai cũng phải yêu. Khi họ không yêu bạn, bạn có chắc là họ không đi yêu người khác? Nhất định ý nghĩ ấy luôn giày vò khiến bạn ghen tuông lồng lộn rồi tìm cách theo dõi, rình mò, nghi kỵ, ăn không ngon, ngủ không yên. Lẽ nào một cuộc sống như thế có thể gọi là hạnh phúc?

Trái lại, những ai chấp nhận lấy người yêu mình để được chiều chuộng, dù mình không yêu người ta, chả lẽ cả đời không yêu ai? Lẽ nào bạn không sống chứ chưa nói là sống hạnh phúc? Bạn nghĩ rằng cứ được người khác săn sóc, chiều chuộng là hạnh phúc ư? Nếu nghĩ thế, bạn rất lầm. Sự săn sóc, chiều chuộng chỉ đem lại hạnh phúc cho ta khi ta chờ đợi nó. Nếu bạn không thể yêu nổi một người nào đó chắc chắn bạn phải có lý do. Nói khác đi, bạn không thích người đó. Một khi bạn không thích ai thì chắc bạn cũng chẳng muốn người đó chiều chuộng, săn sóc mình.

Rõ ràng cả 2 trường phái lấy người yêu mình hay lấy người mình yêu đều sai lầm. Có người lại cho rằng cứ tặc lưỡi cưới đi rồi biết đâu sau khi chung sống một thời gian, tình yêu sẽ đến cả từ 2 phía?

Thực ra, đó cũng lại là ý tưởng hão huyền. Tại sao khi chưa cưới, bạn không thử yêu người đó hoặc không cố làm cho người đó yêu mình đi? Điều mà ngay cả lúc khao khát nhất còn không làm được thì mong gì sau khi cuộc sống chung trở nên nhàm chán lại thực hiện được. Không ít người mê nhau như điếu đổ mà sau khi kết hôn chẳng được bao lâu, tình yêu còn đội nón ra đi, huống chi điều ngược lại làm sao xảy ra?

Nếu cần dùng một hình ảnh để dễ so sánh, có thể ví câu hỏi: "Lấy người mình yêu hay người yêu mình?" cũng giống như câu: "Nếu phải què một chân thì nên què chân phải hay chân trái?" Tại sao ta lại phải chọn một trong hai phương án bất hạnh đó, trong khi không ai bắt buộc mình?

This entry was posted on 1/21/2008 06:54:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: