Author: Lorian Mr
•1/21/2008 06:58:00 CH
Nếu chỉ muốn làm những việc đúng với chuyên ngành được đào tạo thì tự mình đánh mất đi nhiều cơ hội làm việc ở các lãnh vực khác với nhiều thử thách mới để tự khám phá mình...

Tốt nghiệp ngành báo chí H. Dung đầu quân vào các báo lớn nhỏ khác nhau trong TP. Nhưng làm được vài năm Dung cảm thấy mình không phù hợp với nghề vốn tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn này. Sau nhiều lần chuyển qua các báo khác nhau, cuối cùng Dung quyết định chuyển sang một lãnh vực hoàn toàn mới: Kinh doanh.

Cơ hội thử sức mình

Dung liền bật mí cho biết, hiện cô đang được trọng dụng tại một công ty thời trang có tiếng với công việc nhân viên kinh doanh. Dung kể: Lúc đầu khi nộp đơn xin việc vào công ty, mình cũng không muốn làm nhân viên kinh doanh mà chỉ thi tuyển vào chức danh thư ký. Nhưng lúc ấy vị trí này vừa có người đảm nhận nên sếp hỏi mình có muốn làm công việc kinh doanh hay không. Mình muốn thử sức trong lãnh vực mới, thế là mình bước vào lãnh vực hoàn toàn mới mà trước đây chưa hề được học hỏi. Đi làm được một tuần mình không tìm được khách hàng nào cho công ty. Không nản chí, mình cố gắng đi vào những thị trường xa như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Cuối cùng đơn đặt hàng cũng đến với mình. Hiện ngoài công việc kinh doanh, tối nào Dung cũng đi học thêm chuyên môn về kỹ năng bán hàng, hay các khóa đào tạo về xuất nhập khẩu.

Còn với Đặng Thị Thu Hà, trợ lý nhân sự- phụ trách đào tạo Công ty P&G, ít ai ngờ cô có thể đảm đương tốt công tác hiện nay. Vừa tốt nghiệp Khoa Ngoại thương Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Hà đầu quân vào Công ty P&G với ý định làm ở bộ phận kinh doanh hay làm nhân viên đối ngoại, nhưng sau đó lại được công ty chuyển sang phụ trách bộ phận nhân sự- kiêm công tác đào tạo. Hà cho biết: Lúc đầu mình nghĩ làm được công tác này không hề đơn giản, nhất là khi mình chưa có tí gì về chuyên môn. Nhưng lãnh vực mới sẽ cho mình nhiều kinh nghiệm nên mình đã đồng ý. Mình cố gắng học hỏi những anh chị đi trước, truy cập Internet để tìm hiểu những nguyên tắc và các thông tin về tuyển dụng, xem các chương trình đào tạo của các công ty. Chỉ sau vài tháng công tác, Hà không chỉ đảm đương tốt công việc mà còn tỏ ra là một người làm công tác nhân sự rất phù hợp.

Điều quan trọng: Tự học tập, tích lũy kinh nghiệm

Theo kết quả nghiên cứu về “Định hướng giá trị việc làm và nghề nghiệp sinh viên” ở một số trường đại học khu vực Hà Nội vào năm 2000 cho thấy: 63% sinh viên mong muốn có việc làm đúng với chuyên môn. Đây cũng là lý do khiến cho các sinh viên có tỉ lệ thất nghiệp cao bởi các bạn tự hạn chế cơ hội việc làm của mình vì sợ phải đảm nhận công việc trái với chuyên môn.

Theo ông Trần Hữu Đức, chuyên viên tư vấn nhân sự- Giám đốc nhân sự Bệnh viện Pháp - Việt, nhiều bạn sinh viên khi đăng ký tìm việc lại không muốn thử sức với những việc trái chuyên ngành vì sợ không đảm đương nổi. Tuy nhiên, họ đâu ngờ rằng những kiến thức nền mà họ được trang bị từ trường đại học là cơ sở để họ bước vào lãnh vực mới một cách dễ dàng. Và dĩ nhiên, điều không thể thiếu đối với các bạn là phải học hỏi không ngừng. Còn một giám đốc kỹ thuật tại công ty liên doanh chuyên sản xuất mặt hàng tiêu dùng ở TPHCM cho rằng: Nếu các bạn sinh viên chỉ mong muốn làm việc đúng chuyên ngành thì họ tự đánh mất nhiều cơ hội việc làm ở phía trước. Không thể nói sinh viên Trường Kinh tế lại không đảm nhận được công việc của một nhân viên bảo trì máy tính, hay sinh viên báo chí lại không làm tốt bộ phận giao tế nhân sự. Điều chủ yếu là các bạn tự biết học tập, nâng cao tay nghề của mình theo quá trình làm việc.
theo Mạng việc làm

This entry was posted on 1/21/2008 06:58:00 CH and is filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 Lời bình: